Triển vọng kinh tế Việt Nam 2022


Quá trình phục hồi kinh tế năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức, nhiều điểm nghẽn, nút thắt cần được giải quyết.


Năm 2022, Việt Nam sẽ có nhiều cải thiện cả về động lực và kết quả phục hồi, phát triển kinh tế so với năm 2021.

Kinh tế tăng trưởng trên 7% đã đạt được trong 2018, 2019. Nhưng do đại dịch Covid-19, tăng trưởng GDP rơi xuống đáy vào năm 2020. Sang năm 2021, Covid-19 bùng phát trên diện rộng. Tăng trưởng GDP quý III giảm sâu (6,17%) và tính chung 9 tháng chỉ đạt 1,42% - mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua.

Năm thứ hai bị rơi xuống “đáy”?

Dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra con số 3-3,5%. Nhiều tổ chức quốc tế đã có những cái nhìn thận trọng hơn về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam. Báo cáo cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây ước tính, GDP năm 2021 của Việt Nam ở mức 2,0-2,5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% công bố vào tháng 8.

Dù dự báo theo kịch bản nào, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 cũng là năm thứ hai bị rơi xuống “đáy”.

Tuy nhiên, về tổng thể, các điều kiện nền tảng vẫn vững mạnh, lượng dự trữ ngoại hối tăng cao, tiền tệ ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, dòng vốn FDI tiếp tục tăng và tập trung vào lĩnh vực sản xuất.

Các tập đoàn lớn của thế giới, châu Âu, Nhật Bản vẫn tiếp tục đánh giá cao tiềm năng thị trường rộng mở và coi Việt Nam là địa chỉ rất tốt để đầu tư, mở rộng sản xuất và dịch chuyển chuỗi ung ứng.

Động lực tăng trưởng cuối năm 2021 được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại, và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, nhất là xuất khẩu nông sản, hàng dệt may, giày dép, điện tử và điện thoại di động vào Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Mỹ - những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.

Động lực phục hồi kinh tế

Năm 2022, Việt Nam sẽ có nhiều cải thiện cả về động lực và kết quả phục hồi, phát triển kinh tế so với năm 2021.

Với kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, khả năng chủ động sản xuất được vaccine ngừa Covid-19 sẽ sớm đảm bảo mục tiêu tiêm vaccine cho toàn dân, đất nước sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường và nền kinh tế mau chóng hồi phục. Việc hoàn thành bao phủ vaccine vào cuối năm 2021, hoặc chậm nhất vào đầu năm 2022 là một trong những điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia quá trình khôi phục các hoạt động kinh tế sau giãn cách xã hội kéo dài có thể phải đối mặt với một số trở ngại, như sự gián đoạn chuỗi cung ứng và những nút thắt về logistics, thiếu hụt lao động, sự cứng nhắc về thủ tục trong thực hiện ngân sách chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp để tái khởi động các hoạt động kinh doanh sau một thời kỳ dài đóng cửa, đặc biệt trong ngành dịch vụ du lịch, ăn uống và lưu trú.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đối diện với sự gia tăng áp lực lạm phát, trần nợ công và nợ xấu ngân hàng, những hạn chế về khả năng đáp ứng nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng của hệ thống y tế cơ sở, trong khi số lượng người cần được hỗ trợ y tế, an sinh xã hội là rất lớn.

Tuy vậy, theo WB, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do Covid-19. Trong nội tại nền kinh tế, tiêu dùng nội địa và đầu tư công vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Năm 2022 Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%. Đây là quyết tâm cao của Chính phủ, xuất phát từ nhiều điểm. Mục tiêu thời kỳ 2021-2025 tăng bình quân 6,5-7%/năm, để đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Trong khi đó, dự báo năm 2021 đạt rất thấp, nên càng phải quyết tâm cao.

Tỷ trọng đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) vào tốc độ tăng GDP theo chỉ tiêu năm 2022 là 45% không phải là cao, do từ vài năm nay đã gần đạt mức này. Tuy nhiên, yếu tố làm tăng tỷ trọng đóng góp của TFP chủ yếu là từ khoa học - công nghệ, nên cần quan tâm nhiều hơn.

Chỉ tiêu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP năm 2022 là 32-34%. Tỷ lệ này của Việt Nam đã tăng liên tục từ năm 2013 đến năm 2020 và trong 9 tháng năm 2021 là 31,2% (tính trên GDP đánh giá lại).

Tiêu dùng nội địa, vốn đóng góp khoảng 68-70% trong GDP, có khả năng phục hồi nhờ yếu tố tâm lý thị trường và thu nhập được cải thiện. Bên cạnh đó, khu vực tư nhân và FDI có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh nhờ sự hồi phục cả phía cung, phía cầu, sự thích ứng của khu vực doanh nghiệp và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.

Do đó, các chính sách hỗ trợ phát triển cần chú ý tạo động lực kích thích cho cả tổng cung và tổng cầu; củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn, tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp.

(Theo vccinews)

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN