Chứng khoán phục hồi nhờ lãi suất ổn định


Việc khối ngoại bán ròng trở lại đã khiến đà phục hồi của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam bị chững lại. Tuy nhiên, dòng tiền nhà đầu tư trong nước vẫn đang hấp thụ khá tốt lượng bán ra của các nhà đầu tư nước ngoài. 

Trước áp lực lãi suất hạ nhiệt, dường như nhà đầu tư trong nước tin rằng mặt bằng lãi suất thấp sẽ còn tiếp tục duy trì trong thời gian dài - yếu tố sống còn với kênh đầu tư như chứng khoán.

Đà phục hồi chững lại

Sau khi có chuỗi mua ròng 7 phiên liên tiếp từ ngày 30/7 - 9/8/2021 với tổng giá trị gần 3.100 tỷ đồng trên toàn thị trường, khối ngoại đã quay lại bán ròng 7 phiên liền từ ngày 10-18/8/2021, với tổng giá trị gần 6.500 tỷ đồng. Đặc biệt, chỉ tính riêng hai phiên ngày 17-18/8/2021, giá trị bán ròng đã lên tới gần 3.300 tỷ đồng, chiếm đến 51%. Các mã bị bán ròng mạnh nhất vẫn tập trung ở nhóm VN 30 là VHM, SSI, VNM, VIC, HPG, NVL...

Đây cũng là yếu tố khiến xu hướng phục hồi của TTCK Việt Nam bắt đầu từ ngày 20/7/2021 đang bị chững lại trong hai tuần gần đây, khi nhóm cổ phiếu bị bán ròng mạnh có vốn hóa lớn nên đã tác động tiêu cực lên diễn biến của chỉ số VN-Index, dù thanh khoản thị trường vẫn đang duy trì khá tốt, cho thấy dòng tiền nhà đầu tư nội đủ sức cân bằng với lực bán ra của khối ngoại. Đặc biệt, dòng tiền cũng có dấu hiệu luân chuyển mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình.

 

Mới đây, Quỹ Vina Capital cho rằng sự trỗi dậy của các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang tạo bước tiến mới cho sự phát triển của chứng khoán Việt. Quỹ này còn dự báo sự trỗi dậy của các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ diễn ra trong suốt những thập kỷ tới. Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mới đã tăng đột biến từ năm 2020 đến nay. Chỉ trong nửa đầu năm 2021, tổng số tài khoản mới nhiều hơn số tài khoản mới trong năm 2019 và năm 2020 cộng lại.

Trong khi đó, báo cáo mới đây của HSBC Wealth Management đánh giá các TTCK giờ không còn lo ngại lạm phát. Chính lo ngại áp lực lạm phát mà có thể kéo theo lãi suất đã ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư trong suốt thời gian qua. Như đợt điều chỉnh mạnh của TTCK Việt Nam trong hơn nửa đầu tháng 7 có lẽ cũng một phần chịu tác động trước các tín hiệu lãi suất tiền gửi tăng trở lại.

Tuy nhiên, dù lạm phát tại nhiều nền kinh tế, ngay cả những nước phát triển như Mỹ đang chịu áp lực tăng vọt, nhưng lạm phát tại Việt Nam vẫn khá ổn định và có thể tiếp tục nằm dưới mục tiêu 4% đặt ra trong năm nay. Tính đến cuối tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2020. Lạm phát ổn định sẽ là điều kiện quan trọng để giữ lãi suất ở mức thấp.

Kỳ vọng lãi suất ổn định ở mức thấp

Sau đợt tăng lãi suất tiền gửi trong tháng 5 và tháng 6 tại một số ngân hàng, đã gây ra lo ngại xu thế đi lên trở lại của mặt bằng lãi suất, khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng, thì trong hơn một tháng qua lãi suất đã ổn định trở lại. Nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất tiền gửi, đưa đến kỳ vọng lãi suất sẽ còn tiếp tục ở mức thấp trong một thời gian nữa, theo đó các kênh đầu tư như chứng khoán sẽ được hưởng lợi.

Các ngân hàng sau khi phải giảm lãi suất cho vay từ giữa tháng 7, với mức giảm phổ biến từ 0,5-1% cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, buộc phải tìm cách tối ưu hóa chi phí vốn đầu vào, do đó cũng sẽ có nhiều động lực giữ mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định.

Có nhiều yếu tố giúp các nhà băng có điều kiện giảm lãi suất trở lại, trong đó thanh khoản dồi dào nhờ lượng tiền đồng được bơm ra khi các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn được tất toán. Thống kê cho thấy đã có 118.000 tỷ đồng được bơm ra và sắp tới sẽ có tiếp 40.000 tỷ đồng thông qua kênh mua ngoại tệ. Việc các ngân hàng phát hành một lượng lớn trái phiếu trong 7 tháng qua, trong khi tăng trưởng tín dụng chậm lại vì ảnh hưởng dịch bệnh, cũng giúp thanh khoản hệ thống dồi dào.

Đáng lưu ý là mới đây Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi cơ chế mua ngoại tệ kỳ hạn thành mua giao ngay, gợi ý khả năng nhà điều hành có thể tiếp tục can thiệp thị trường tức thời trong thời gian tới, đồng nghĩa với việc thanh khoản tiền đồng có thể được hỗ trợ bất cứ lúc nào qua kênh mua ngoại tệ.

Các ngân hàng sau khi phải giảm lãi suất cho vay từ giữa tháng 7, với mức giảm phổ biến từ 0,5-1% cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cũng buộc phải tìm cách tối ưu hóa chi phí vốn đầu vào, do đó sẽ có nhiều động lực giữ mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định. 

Trước những kỳ vọng ấy, các công ty chứng khoán tiếp tục đưa ra những dự báo lạc quan về TTCK cho giai đoạn tới, dù thừa nhận các đợt "rung lắc" và thị trường điều chỉnh là không tránh khỏi. Mục tiêu trước mắt là VN-Index có thể chinh phục lại mốc 1.400 điểm và thậm chí có thể tăng lên tới 1.500 điểm trong thời gian còn lại của năm nay.

(Theo doanhnhansaigon.vn)

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN