Tiến sĩ Nguyễn Thu Hương nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường phát triển sản phẩm trong phiên thảo luận “Công nghệ xanh, nông nghiệp sạch”


Trong buổi thảo luận “Công nghệ xanh, nông nghiệp sạch” do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, Tiến sĩ Nguyễn Thu Hương – Chủ tịch WLIN Global Holdings (WGH), Tổng giám đốc Nam Hương Group kiêm Chủ tịch WIC – khẳng định WGH được ra đời để giải quyết các vấn đề xung quanh việc phát triển sản phẩm một cách bền vững.

Phiên thảo luận “Công nghệ xanh, nông nghiệp sạch” là phiên thứ 2 trong chương trình diễn đàn kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam. Sự kiện diễn ra vào chiều ngày 7/12/2022 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Q.7, Tp.HCM. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – Trần Văn Tùng chủ trì buổi thảo luận, và Tiến sĩ Ngô Đắc Thuần – Chủ tịch công ty IP Group chịu trách nhiệm điều phối chương trình.

Ngoài Tiến sĩ Nguyễn Thu Hương, các diễn giả tham gia thảo luận còn có bà Rebecca Ball, Phó Tổng Lãnh sự quán Australia, bà Sanne Hoj Andren, Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Đan Mạch, ông Doron Shacha, Nhà sáng lập kiêm CEO Renova Cloud, ông Phan Thach Lộc – Giám đốc Quỹ VI Group, Chủ tịch công ty Vietnam Food (VNF), ông Văn Tiến Thanh, Tổng giám đốc công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau và PGS. TS. Lâm Quang Vinh – Trưởng ban Khoa học và công nghệ – Đại học quốc gia Tp.HCM. 


TS. Nguyễn Thu Hương chia sẻ trong thảo luận “Công nghệ xanh, nông nghiệp sạch” (Ảnh: Tuấn Anh)

Mở đầu phần phát biểu của mình, TS. Nguyễn Thu Hương nêu ra những vấn đề trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới trên thị trường.

“Để một sản phẩm được nghiên cứu và đưa ra thị trường thành công cần phải có sự góp sức của 5 nhà, gồm: nhà sáng chế, nhà đầu tư, nhà quản trị, nhà truyền thông chiến lược và nhà phân phối. Chỉ cần thiếu một người thì sản phẩm sẽ không thể phát triển theo hướng bền vững, do đó chúng ta cần phải có đủ 5 nhà này”, TS. Nguyễn Thu Hương nói.

Với tư cách một người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông – marketing, TS. Nguyễn Thu Hương cho rằng vấn đề lớn nhất của các sản phẩm mới của Việt Nam hiện nay chính là thiếu chuyên gia truyền thông chiến lược. Tuy nhiên, TS. Thu Hương khẳng định sự ra đời của WGH và Women Invest Capital (WIC) nhằm giải quyết các vấn đề xung quanh cả 5 chuyên gia mà mình đề cập, chứ không riêng lĩnh vực marketing.

“Với góc nhìn một người có nhiều năm hoạt động và tư vấn truyền thông cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tôi đã thấy nhiều nhà khoa học nữ có sản phẩm hay nhưng gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường. Theo tôi, ý tưởng phải có môi trường để được phát triển và chia sẻ. Không chỉ cần môi trường nghiên cứu tốt, ta còn phải tìm cách đưa ý tưởng tới với doanh nghiệp. Do đó, Mạng lưới nữ lãnh đạo doanh nghiệp chính là môi trường để các thành viên chia sẻ kiến thức và kết nối, thông qua hoạt động Business Lunch hàng tuần”, TS. Nguyễn Thu Hương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Thu Hương nhấn mạnh vào mục tiêu hỗ trợ cho nữ lãnh đạo, qua đó giải phóng nguồn lực và giúp xã hội phát triển.

“Theo tạp chí Forbes, các quỹ đầu tư mạo hiểm ước tính đã rót vốn khoảng 330 tỉ USD trong năm 2022, tuy nhiên chỉ 2% số này là dành cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Tuy nhiên số liệu thống kê cũng chỉ ra rằng phụ nữ chịu trách nhiệm chi tiêu tới 31,8 nghìn tỉ USD mỗi năm. Do đó, nếu người tiêu dùng bước vào công đoạn sản xuất, chúng ta sẽ có thị trường phát triển tốt hơn, từ đó các nguồn lực sẽ được giải phóng và tập trung hóa. Do đó, chúng tôi phát triển Quỹ WIC để hỗ trợ cho sự tiến bộ của phụ nữ, trong khi WLIN Global là môi trường để nhà đầu tư và các nữ lãnh đạo gặp gỡ. Từ việc hỗ trợ cho nữ lãnh đạo, chúng tôi tin rằng mình cũng góp phần giúp cho các doanh nghiệp, gia đình và xã hội phát triển”, TS. Nguyễn Thu Hương nhấn mạnh.

Ngay khi TS. Nguyễn Thu Hương kết thúc phần chia sẻ, một nữ lãnh đạo doanh nghiệp tới từ Đồng Nai và một nhà nghiên cứu đang công tác tại Trường đại học Quốc tế –  Đại học Quốc gia Tp.HCM đã ngỏ ý gia nhập Mạng lưới Nữ lãnh đạo toàn cầu để có cơ hội kết nối và phát triển sản phẩm của mình.


Diễn đàn “Kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam” thành công tốt đẹp (Ảnh: Tuấn Anh)

Phiên thảo luận “Công nghệ xanh, nông nghiệp sạch” là một trong 3 nội dung chính trong chương trình diễn đàn “kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì. Bên cạnh chương trình thảo luận, các khách mời còn được nghe các tham luận về chính sách và giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo do các diễn giả tới từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Ngân hàng phát triển nông thôn (Agribank) và công ty IMC. 

Ngoài ra, chương trình còn có phần ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy nghiên cứu khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác sáng chế giữa công ty CP phân bón dầu khí Cà Mau và công ty TNHH tư vấn công nghệ và sở hữu trí tuệ IP Group.

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN