Doanh nghiệp Bất Động Sản TP.HCM kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch


Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có những kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản vượt qua cơn bão dịch Covid 19 gửi lãnh đạo TP.HCM và các cơ quan liên quan.

 Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)

Doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền mà chỉ xin tháo gỡ vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách và quy trình thủ tục hành chính để vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh. Theo đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA nhấn mạnh Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản kiến nghị mong muốn Bộ Xây dựng sớm có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và khách hàng để tăng sức chống chịu, vượt qua khó khăn do đại dịch, đặc biệt khi làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 đang làm trầm trọng thêm khó khăn của thị trường bất động sản.

"Doanh nghiệp “sống” được thì các ngân hàng mới “sống khỏe”

Cụ thể, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị về cơ chế chính sách tín dụng, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà. Các ngân hàng thương mại xem xét không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản vay đến hạn.

Quan trọng hơn, HoREA đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, các ngân hàng thương mại cần xem xét cho nhà đầu tư, khách hàng mua nhà, sản phẩm bất động sản được tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký, đặc biệt với các khách hàng mua nhà ở thương mại có giá trung bình, giá thấp hoặc nhà ở xã hội.

Giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại

Thứ hai, về chính sách thuế, tiền sử dụng đất, theo quy định pháp luật, kể từ ngày nhận được Thông báo nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại của Cục thuế thì trong thời hạn 90 ngày, chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nếu quá thời hạn thì doanh nghiệp sẽ bị phạt chậm nộp thuế. Do đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ “cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm 2021”, nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản do tác động của đại dịch Covid-19 và góp phần kéo giảm giá nhà.

Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch, hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét chưa thu thuế cho thuê nhà của cá nhân trong năm 2021 để giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế do ảnh hưởng từ cơn bão dịch.

Sớm tháo gỡ vướng mắc về pháp lý bất động sản

Cùng với các giải pháp đề xuất để trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản trong đại dịch, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và quy trình thủ tục hành chính đã kéo dài trong thời gian vừa qua cũng cần sớm được tháo gỡ. Điều này sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, tạo sức bật cho doanh nghiệp hồi phục sau dịch.

Theo đó, một trong những vướng mắc pháp lý rất lớn hiện nay được chỉ ra là Khoản 1 và Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 và Khoản 5 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP chỉ công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong 2 trường hợp: Nhà đầu tư có đất ở (có 100% đất ở); hoặc nhà đầu tư có các loại đất khác kèm với đất ở. Còn lại, tất cả các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hay có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng lại không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.

Bất cập này đã thật sự gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp bất động sản, người tiêu dùng và cả Nhà nước. Do vậy, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét sớm có giải pháp xử lý vướng mắc trong thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, theo quy định của pháp luật.

Cuối cùng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị ban hành quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại. Hiện nay, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại còn khá nhiều phức tạp, khiến tốn nhiều thời gian của doanh nghiệp và làm cho cán bộ công chức nhà nước khó khăn trong công tác, thậm chí dễ bị rủi ro trong thi hành công vụ.

Rất hi vọng qua những kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) sẽ mở ra nhiều cơ hội hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp bất động sản tháo gỡ được khó khăn, bất cập còn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động của doanh nghiệp, tạo sức bật cho doanh nghiệp hồi phục và gỡ khó vượt qua ảnh hưởng trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh.

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN