Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) kiến nghị giải pháp giúp Thành phố thực hiện “mục tiêu kép”


Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã tổ chức chương trình Cafe Doanh nhân lần thứ 57 với chủ đề  "Hiến kế chính sách, giải pháp, duy trì ổn định sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn phòng chống dịch Covid-19" với nội dung được đề cập nổi bật là tìm kiếm những gi

Chương trình đã có sự tham dự của Phó bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi, Phó chủ tịch UBND Thành Phố Võ Văn Hoan, các chuyên gia kinh tế cùng đại diện nhiều doanh nghiệp, Hội, Đoàn của TP.HCM. Tìm kiếm những giải pháp giúp Thành phố thực hiện thành công "mục tiêu kép" là một trong những vấn đề đang được nhiều doanh nghiệp TP.HCM quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến, trong đó có những đề xuất kiến nghị của HUBA và các doanh nghiệp như sau:

Thành lập tổ công tác liên tỉnh

Theo đề xuất từ Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Thành phố cần đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có văn bản chỉ đạo yêu cầu các tỉnh đặt hoạt động sản xuất nông nghiệp làm trọng tâm, cần được ưu tiên và tạo mọi điều kiện để không bị đứt gãy nguồn cung cho TP.HCM trong thời gian tới.

Qua đó, để chuỗi cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp TP.HCM không bị đứt gãy, HUBA kiến nghị lên Thành phố sớm xúc tiến việc hợp tác với chính quyền các tỉnh thành lân cận có vùng nguyên liệu lớn. Cụ thể, thành phố sẽ đề xuất nhu cầu thị trường cần, phương án bao tiêu đầu ra và đề nghị các tỉnh mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng vùng nguyên liệu theo thế mạnh của từng địa phương. Đồng thời, nên thành lập Tổ công tác liên tỉnh, có đường dây nóng giữa thành phố và các tỉnh thành lân cận để tiếp nhận thông tin và điều tiết hoạt động vận chuyển.

Cho phép các doanh nghiệp ngành thực phẩm tìm phụ liệu thay thế và chỉ cần gửi văn bản

Hiện nay, theo Luật An toàn Thực phẩm và các quy định liên quan của Chính phủ, khi điều chỉnh như kiến nghị đề xuất từ các doanh nghiệp ngành thực phẩm là đối với tình trạng thiếu hụt phụ liệu có thể dẫn đến ngừng sản xuất, có thể cho phép họ tìm loại khác thay thế, hoặc điều chỉnh tăng giảm hàm lượng phù hợp mà không ảnh hưởng đến chất lượng, sự an toàn cho sức khỏe người dùng và đặc trưng cơ bản của sản phẩm.

Theo đó, dựa theo Luật và các quy định, doanh nghiệp phải làm lại thủ tục tự công bố sản phẩm và thay đổi bao bì hiện tại. Quy định này sẽ làm mất nhiều thời gian, phát sinh chi phí khi lãng phí bao bì cũ, dẫn đến nguy cơ khiến các doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp ngành thực phẩm đề nghị cho phép họ được gửi văn bản báo cáo chi tiết cho cơ quan nhà nước liên quan và nêu thông tin minh bạch đến người tiêu dùng, vì phương án điều chỉnh nguyên liệu phụ này chỉ là giải pháp tạm thời trong bối cảnh hiện nay.

Gỡ khó cho hoạt động vận chuyển

HUBA kiến nghị chính quyền các cấp tập trung giải quyết triệt để những ách tắc trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh lên thành phố, vì dù Chính phủ và các Bộ ngành đã có văn bản tháo gỡ nhưng thực tế vẫn xảy ra tình trạng các chốt kiểm soát giữa TP.HCM và các tỉnh thành vẫn chưa có sự đồng bộ trong hoạt động, gây khó khăn cho các tài xế.

Ngoài ra, lực lượng vận chuyển hàng hóa đường dài đang gặp khó trong việc xét nghiệm Covid-19. Các chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào TP.HCM và các tỉnh đều yêu cầu tài xế có giấy xét nghiệm hiệu lực trong 72 giờ đồng hồ, trong khi hoạt động vận chuyển từ Nam ra Bắc lại gặp quá nhiều chốt chặn khiến mất nhiều thời gian hơn, khi ấy giấy xét nghiệm hết hiệu lực trong giai đoạn vận chuyển thì tài xế không thể tìm nơi để làm xét nghiệm. Do đó, kiến nghị đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cần công bố cho tài xế thông tin rõ ràng và chi tiết về các điểm thực hiện test nhanh Covid-19 dọc đường.

Thành lập trung tâm logistics

Theo các kiến nghị, về lâu dài, TP.HCM cần thực hiện nhanh “Đề án phát triển ngành logistics thành phố” để khắc phục điểm yếu của chuỗi cung ứng bộc lộ qua đại dịch. HUBA đề nghị được cùng với Sở Công Thương nghiên cứu triển khai chương trình đầu tư phát triển hệ thống logistics, trong đó cần quy hoạch vị trí đất hình thành trung tâm logistics,  đưa lĩnh vực đầu tư hạ tầng logistics vào danh mục đầu tư được hưởng chính sách hỗ trợ của thành phố và quan tâm đầu tư, hình thành các trung tâm công nghệ về logistics, tập trung vào hệ thống kho đông, kho mát cho hàng nông sản thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống, cùng hệ thống bến bãi, vận tải, giao nhận.

Thêm vào đó, doanh nghiệp và chính quyền TP.HCM cũng cần khuyến khích người dân thay đổi thói quen, chuyển sang giao dịch trực tuyến và mua bán thực phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Để giúp người dân thuận tiện trong mua bán thực phẩm trên mạng, thành phố cũng cần đầu tư “Đề án xây dựng các sàn giao dịch hàng hóa” như thịt heo, rau củ quả, trái cây, song song đó triển khai nhanh hệ thống kho đông, kho mát cho hàng nông sản thực phẩm.

Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động

Với mục đích tăng nguồn dự trữ nguyên liệu trong nước nhằm ổn định giá, cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt trong giai đoạn hiện tại, các doanh nghiệp cũng đã đề xuất Thành phố đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM bổ sung các doanh nghiệp thuộc ngành lương thực thực phẩm vào đối tượng được hỗ trợ khi vay mới, miễn giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh việc giải ngân các khoản vay...

Đồng thời, kiến nghị Ngân hàng nên nâng hạn mức định giá tài sản thế chấp hiện hữu đối với doanh nghiệp đang có các hoạt động kinh doanh uy tín, có khả năng thu hồi vốn trong tương lai, để giúp doanh nghiệp được tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% hiện nay lên 85%, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực phải tìm thêm tài sản thế chấp.

Riêng chính sách với người lao động phải tạm nghỉ việc, mất việc do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, HUBA đề xuất chính quyền TP.HCM nên trao quyền cho doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện và hậu kiểm việc chi trả các gói trợ cấp xã hội cho người lao động. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng người lao động gặp khó khăn vì cơn bão dịch và không có cơ hội tiếp cận với gói trợ cấp xã hội do vướng mắc về thủ tục.

Rất hi vọng qua chương trình Cafe Doanh nhân lần thứ 57 với chủ đề  "Hiến kế chính sách, giải pháp, duy trì ổn định sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn phòng chống dịch Covid-19" do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức với những đề xuất đã được kiến nghị, bàn luận được đóng góp bởi rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, sẽ mở ra nhiều cơ hội hỗ trợ, các cơ quan Ban ngành ở trung ương và địa phương sẽ có giải pháp kết nối, lắng nghe và khắc phục những khó khăn từ thực tế của các doanh nghiệp hiện nay, để các doanh nghiệp có điều kiện nhận được những sự hỗ trợ, gỡ khó vượt qua ảnh hưởng trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh.

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN