TP.HCM kiến nghị nhiều giải pháp duy trì, ổn định sản xuất


TP.HCM vừa đề xuất nhiều giải pháp trình Chính phủ nhằm duy trì, ổn định sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn phòng chống dịch trong bối cảnh số ca bệnh mỗi ngày vẫn ở mức rất cao.

Theo văn bản 1113 /UBND-KT vừa được trình cho Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian qua, tình hình hoạt động và sản xuất, kinh doanh của các DN bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề. 

Chính vì vậy, qua ghi nhận ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và tình hình thực tế, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành một số nội dung bao gồm các giải pháp duy trì không để đứt gãy sản xuất hàng hóa dẫn đến thiếu hụt lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân; giải quyết tháo gỡ khó khăn đối với các DN sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến", chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng; và ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch.

Văn bản này được đưa ra ngay sau khi lãnh đạo TP.HCM ban hành kế hoạch kế hoạch cụ thể nhằm hỗ trợ DN khắc phục những khó khăn do tác động của đại dịch dựa trên cơ sở kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) với những mục tiêu và giải pháp cụ thể theo văn bản 42/KH-UBND.

Giải pháp duy trì không để đứt gãy sản xuất hàng hóa 

Đối với các giải pháp nhằm bảo đảm không để dẫn đến thiếu hụt lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân, UBND TP.HCM cho biết cần bảo đảm vùng nguyên liệu và nguồn nguyên liệu an toàn cho sản xuất và cung ứng lương thực thực phẩm thiết yếu cho TP.HCM và xuất khẩu khi kiểm soát được dịch Covid-19.

Theo UBND TP.HCM, hiện nay tất cả các nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho việc sản xuất của các DN trong ngành lương thực, thực phẩm tại TP.HCM đều lệ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu đến từ các tỉnh, nhất là 19 tỉnh thành phía Nam. Bất cứ một sự đứt gãy nào đều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, xuất khẩu và đời sống người dân. Vì vậy, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh phải đặt hoạt động sản xuất nông nghiệp là thiết yếu, cần được ưu tiên, tạo mọi điều kiện duy trì sản xuất. 

“Nếu tình trạng nông dân các tỉnh đã tổ chức trồng trọt, thậm chí đã gần thu hoạch sản phẩm phải phá bỏ giữa chừng vì nhận thấy không thể tiêu thụ sản phẩm được như thời gian qua, nguy cơ ngừng sản xuất sẽ khiến mùa vụ chậm trễ, ảnh hưởng cả chất và sản lượng sản xuất sản phẩm nông nghiệp, nguyên liệu cho ngành sản xuất lương thực, thực phẩm về sau", UBND TP.HCM cho biết.

UBND TP.HCM cũng kiến nghị cần bảo đảm công tác vận chuyển lưu thông từ vùng nguyên liệu về nhà máy và cung cấp ra thị trường vì hiện vẫn còn tình trạng chưa thống nhất phương thức kiểm soát phương tiện vận chuyển hàng hoá tại các chất kiểm soát giữa các tỉnh, TP.HCM. Việc lưu thông hàng hóa nhu yếu phẩm chưa kịp thời, gây khó khăn cho DN.

Chính vì vậy, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, TP.HCM thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc vận chuyển hàng hoá thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch Covid-19, chỉ kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hoá tại nhà máy, tại kho, không kiểm tra trên đường.

Thêm vào đó, UBND TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Công an và Bộ Y tế ban hành phương thức kiểm tra phương tiện vận chuyển người và hàng hóa lưu thông qua các chất kiểm soát dịch bệnh để thống nhất áp dụng trong khu vực thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và trên cả nước. Đồng thời xây dựng luồng, tuyến ưu tiên cho các xe vận chuyển hàng hóa lưu thông tại các chất kiểm soát dịch bệnh tại địa phương, tránh ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm.

Do vậy, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải pháp xử lý tạm thời trong thời gian ngắn là cho phép DN có thể thay đổi nguyên liệu, tỷ đồng lệ nguyên liệu nhưng chất lượng không thay đổi và được sử dụng bao bì hiện tại để giảm chi phí sản xuất và gửi báo cáo chi tiết cho các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, thông tin minh bạch, cam kết không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng (theo Luật An toàn thực phẩm và các quy định liên quan thì với những điều chỉnh nói trên, DN cần phải làm lại thủ tục tự công bố và thay đổi bao bì hiện tại).

Giải quyết tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất theo mô hình 3T

Theo UBND TP.HCM, các doanh nghiệp đã rất nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để tổ chức phương án sản xuất theo mô hình sản xuất 3T. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể kéo dài do không đủ cơ sở vật chất để bảo đảm tốt điều kiện an toàn dịch, tâm lý người lao động bất an khi bị tập trung trong một không gian hẹp thời gian dài, không được gặp gia đình (nhất là đối tượng lao động nữ).

Do vậy, lãnh đạo TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Hướng dẫn thống nhất chung về tiêu chí chủ yếu bắt buộc phải tuân thủ để bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong tất cả lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh và cách thức kiểm tra, giám sát, từ đó tạo điều kiện các doanh nghiệp chủ động bố trí phù hợp tình hình thực tiễn và được phép hoạt động khi đáp ứng đủ điều kiện an toàn phòng chống dịch (không phân biệt ngành nghề). 

Ngoài ra, cần hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện mô hình sản xuất 3T giảm chi phí như: giảm giá điện sản xuất hoặc miễn giá điện sinh hoạt của công nhân như đối với các khu cách ly, hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 cho công nhân miễn phí, hỗ trợ phun thuốc khử khuẩn, tiêm vaccine…

Chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng

Theo UBND TP. HCM, cần phân loại DN thành 3 nhóm để xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp: (1) DN đã giải thể, phá sản; (2) DN đang tạm ngừng hoạt động; (3) DN đang còn hoạt động.

Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, thời hạn áp dụng giảm thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng cho DN, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là hết tháng 12/2021. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh còn kéo dài, để đảm bảo chính sách hỗ trợ có hiệu quả, ổn định, hỗ trợ DN phục hồi và tăng trưởng sau khi dịch được kiểm soát, lãnh đạo TP.HCM kiến nghị Thủ tướng kéo dài thời hạn áp dụng ít nhất đến hết quý I/2022 và có thể đến hết tháng 6/2022.

UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng hỗ trợ cho DN lương thực, thực phẩm và các DN sản xuất vật tư tiêu hao phục vụ ngành y tế trên địa bàn TP.HCM về miễn giảm lãi suất vay và cho vay mới với hạn mức tín dụng cao hơn; đẩy nhanh quá trình giải ngân các khoản vay; chủ động về nguồn vốn gắn với các chương trình tín dụng ưu đãi, gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi để bổ sung nguồn vốn nhằm thu mua dự trữ nguyên liệu, vật tư hàng hóa dành cho các DN sản xuất, phân phối hàng thiết yếu nhằm bình ổn thị trường và phục hồi sản xuất sau khi dịch được kiểm soát.

Ngoài ra, UBND TP.HCM còn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng chủ động về nguồn vốn gắn với các chương trình tín dụng ưu đãi, gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi để dự trữ nguyên liệu, vật tư hàng hóa dành cho các DN sản xuất, phân phối hàng thiết yếu nhằm bình ổn thị trường và phục hồi sản xuất sau khi dịch được kiểm soát.

UBND TP.HCM kiến nghị hỗ trợ vốn vay cho các DN ngành lương thực, thực thẩm để thu mua và tăng dự trữ tồn kho đối với nguồn nguyên, phụ liệu sản xuất, vì việc tăng dự trữ nguồn nguyên liệu sản xuất cũng như dự trữ trong nước là rất cần thiết nhằm ổn định giá, đảm bảo cho sản xuất, cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân, góp phần quan trọng trong công tác chống dịch.

Đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch (như du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận tải, chiếu phim, hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí...) thì cần nâng mức giảm VAT lên 50% (thay vì 30% như dự thảo). Đối với các DN nhỏ và vừa, một trong các tiêu chí xác định là doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng; do đó, nhằm mở rộng phạm vi DN được hưởng hỗ trợ, kiến nghị điều chỉnh điều kiện về tổng doanh thu năm 2021 để được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 200 tỷ đồng thành 300 tỷ đồng.

UBND TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ngành ngân hàng có chính sách ưu đãi, tăng mức hỗ trợ về vốn, về lãi suất cho các DN 3T nhằm hỗ trợ giảm tối đa chi phí cho các DN này hoạt động hiệu quả và tiếp tục tăng trưởng tốt sau khi dịch được kiểm soát.

Đới với các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, lãnh đạo TP.HCM kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách giảm tiền thuê đất cho người thuê đất gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 với mức giảm là 30% trong năm 2021; riêng đối với các DN ngành du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp và liên tục trong hai năm 2020 và 2021 thì mức giảm là 50%.

Ngoài ra, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận dịch Covid-19 đang diễn ra là tai nạn bất khả kháng để DN được giảm 50% tiền thuê đất trong thời gian ngừng sản xuất, kinh doanh. Thêm vào đó, các chi phí phòng chống dịch Covid-19 quá lớn khiến DN phải cố gắng cầm cự để duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Do vậy, lãnh đạo TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép DN được khấu trừ chi phí phòng, chống dịch Covid-19 để duy trì sản xuất trong các khoản nộp ngân sách.

Đối với ngành du lịch, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ngành được vận dụng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi DN tham gia thực hiện các chương trình xúc tiến du lịch trong nước.

Hoàn thiện ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch Covid-19

Theo lãnh đạo TP.HCM, việc ứng dụng CNTT trong quản lý cơ sở dữ liệu, triển khai công tác phòng, chống dịch còn chưa hiệu quả do có quá nhiều ứng dụng với tên tương tự nhau, chức năng trùng lắp, chồng chéo, không đồng bộ cơ sở dữ liệu; một số ứng dụng còn nhiều lỗi, dữ liệu chậm cập nhật và chỉ thật sự hiệu quả khi đa số người dân cài đặt và bật ứng dụng liên tục.

Do vậy, lãnh đạo TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành hoàn thiện, khai thác tối đa, hiệu quả các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống Covid-19 đang có hiện nay như: Khai báo y tế điện tử, mã QR; Cổng đăng ký, xác nhận tiêm chủng, Hệ thống quản lý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Ngoài ra, cần liên thông, sử dụng thống nhất một mã QR của cá nhân, tổ chức giữa các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác khai báo y tế điện tử; kiểm soát lưu thông, truy vết; liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành và địa phương phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

(Theo doanhnhansaigon.vn)

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN