6 yếu tố làm nên một bộ suit đẹp và chất lượng


Sở hữu một bộ suit đẹp

Những yếu tố cấu thành nên một bộ suit đẹp và chất lượng bao gồm: chất liệu, thiết kế, độ vừa vặn, các chi tiết, vải lót và số S (thuật ngữ này không phải ai cũng biết rõ). Chúng ta cùng đi vào chi tiết từng yếu tố cấu thành nên chất lượng một bộ suit nhé:

1. Suit đẹp là phải vừa vặn

Yếu tố độ vừa vặn ở đầu tiên vì đây luôn là chuẩn mực của mọi chuẩn mực. Một bộ suit có chất vải tốt hay đắt tiền đến đâu mà không vừa với bạn cũng chỉ là một bộ đồ bỏ đi. Thời trang nam không bao giờ là việc đánh giá qua việc bạn mặc bộ đồ 100 triệu hay 1 tỷ!

Cơ bản một bộ suit đánh giá hợp với cơ thể bạn thông qua các chi tiết về vai, độ dài tay áo, cổ áo, độ ôm của áo và chiều dài áo có phù hợp không. Để hiểu rõ hơn về sự phù hợp của bộ suit với cơ thể, các bạn hãy đọc bài viết này nhé.

2. Chất lượng của các chi tiết

Đây là khía cạnh mình đánh giá là dễ dàng nhận biết thứ 2 khi đánh giá một bộ suit chất lượng tốt. Với những bộ suit cơ bản với các màu xanh, đen, ghi,… thì chỉ cần tỉ mỉ một chút đánh giá các cúc áo & phần ve áo cũng như chất liệu vải bạn sẽ dễ dàng nhận biết.

Cúc áo chất lượng tốt làm từ sừng chứ không phải nhựa. Đôi khi bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy các cúc trên cùng một bộ suit có phần không tương đồng lắm về màu sắc giữa các cúc áo. Tuy nhiên đó là điều hết sức bình thường với một bộ đồ xịn. Vì được làm từ sừng nên rất khó có thể đảm bảo 100% tất cả cúc áo sẽ giống nhau như làm đóng máy. Các cúc áo kém chất lượng sẽ được khâu không tỉ mỉ, tạo cảm giác mất gắn kết & luôn có cảm giác sắp rơi.

Ngoài ra các cúc thứ 4 hoặc thứ 5 của suit ở phần tay áo có tác dụng để xắn tay áo trong lên, vì vậy những bộ suit chất lượng tốt sẽ luôn để nút thứ 4 hoặc thứ 5 có kết cấu tốt để có thể mở ra đóng lại như cúc áo cài ngực bình thường. Một bộ suit mà cúc áo cuối ở tay không thể cởi ra chứng tỏ đó là một bộ kém chất lượng.

Ve áo là chi tiết tiếp theo để đánh giá một bộ suit chất lượng tốt hay kém. Những bộ suit kém chất lượng thường được may bằng máy với số lượng lớn mà không có sự tỉ mỉ như cách may thủ công từ những thợ lành nghề. Ve áo được làm không cầu kì sẽ được làm bằng cách hồ – thay vì khâu thủ công sẽ dung chất kết dính để gán các bộ phận của bộ suit lại. Vì vậy ve áo có chất lượng tốt bạn sẽ thấy được phần cuộn ve áo sẽ cong nhẹ chứ không bị cứng đơ (ép chặt luôn với thân áo) . Chi tiết này tuy khó để ý nhưng quen dần thì bạn chỉ cần nhìn qua cũng sẽ biết được.

Đối với những bộ suit không đơn sắc mà thiên về họa tiết thì điều này sẽ dễ phân biệt hơn, đó là sự tỉ mỉ trong việc tạo một bộ suit hoàn chỉnh. Với những người thích sự đổi mới hay khác biệt sẽ chọn những bộ suit kẻ hoặc họa tiết. Một nhân vật truyền cảm hứng cho những bộ suit họa tiết là Mads Mikkelsen – bạn chưa biết có thể xem film kinh điển Hannibal để rõ hơn.

Các bộ suit chất lượng vì được làm thủ công nên việc ghép các chi tiết rất tỉ mỉ. Khi mặc suit kẻ dọc bạn sẽ để ý thấy các phần kẻ ráp nối giữa tay áo và thân áo không bị lệch nhau. Tương tự với suit họa tiết caro cũng thể, những đường nối giữa phần tay và thân sẽ không bị đứt nét tạo cảm giác không đồng nhất giữa bộ suit. Lời khuyên cho các bạn nếu muốn có một bộ suit kẻ hãy tham khảo các bên làm bespoke để có được một bộ suit xứng đáng với số tiền mình bỏ ra.

3. Chất liệu vải may suit

Nếu là một người ít khi hỏi người bán về chất liệu vải và ít quan tâm thì mình nghĩ đây là vấn đề mọi người nên quan tâm dần. Hiểu rõ chất liệu vải sẽ nắm được các vấn đề mà bạn đang gặp phải với cả áo sơ mi hay áo phông đang mặc như nhăn, nhanh phai màu,… Với vải để may suit cũng vậy, cơ bản được chia ra làm 4 chất liệu chính.

100% wool

Wool là sợi len mềm làm từ 100% lông cừu, lạc đà, dê, thỏ, … Đây là chất vải lý tưởng cho hầu hết các bộ suit vì đặc tính giữ dáng, bền cũng như giữ nhiệt vào mùa lạnh & hút ẩm vào mùa nóng của nó. Chi phí cho một bộ suit làm từ vải không pha này cũng khá cao, rơi vào khoảng bao nhiêu mình cũng không rõ vì chưa được thử.

Các cửa hàng suit tại Việt Nam hiện tại đang làm theo kiểu pha trộn wool và các chất liệu khác để tạo nên một bộ suit hoàn chỉnh. Các thông số 99% wool hay 99,99% mình nghĩ là con số chưa có chứng thực cụ thể. Về lý thuyết thì trước khi may hoặc mua bạn có thể hỏi người bán về chất liệu bộ quần áo của bạn. Nếu bạn không hỏi thì chất liệu vải cũng thường được gắn ở tag áo.

Chi phí cho một bộ suit RTW (right to wear – may sẵn) với tỉ lệ pha wool khoảng 75%-85% sẽ rơi vào khoảng 2,5 triệu-3,5 triệu trên thị trường Việt Nam. Còn với một bộ sartorial nhỉnh hơn chút khoảng gấp đôi con số mình vừa nêu trên.

Cotton

Cotton hay sợi bông là tên gọi thông thường chúng ta hay gọi. Đây là loại thông thường nhất được sử dụng trong may mặc vì tính đa dạng dễ tùy biến của chúng. Tương tự với wool cũng có các loại 100% cotton & tỉ lệ pha khác nhau từ 35% trở lên.

Có một cách nhận biết là đốt vải để nhận biết đâu là 100% cotton nên mình cũng không đề cập sâu ở bài viết. Thay vì phải đốt bạn cũng có thể nhìn các thông số ở tag áo để biết rõ về chất liệu làm nên bộ suit của mình.

Cotton được đánh giá ở điểm 8/10 cho việc may suit vì tính thoáng khí của chúng. Ngoài ra suit làm từ chất liệu này còn có điểm lợi thêm là dễ làm sạch & thoáng khí. Điểm cộng khá lớn cho ngân sách vừa phải mà muốn có một bộ suit chất lượng.

Đi đôi với lợi thì cotton bị trừ điểm ở việc dễ nhàu và dễ mất dáng. Chi phí cho một bộ suit may sẵn làm bằng cotton pha hiện tại như trải nghiệm của mình ở Việt Nam cũng khoảng >2 triệu. Về đánh giá tổng quan thì đây cũng là một lựa chọn khá tốt cho ngân sách vừa & nhỏ.

Polyester (nhân tạo)

Vải nhân tạo được sử dụng khá nhiều vì đặc điểm giá thành rẻ, phù hợp với mức độ sẵn sàng chi trả cho một bộ suit của đại đa số. Vải nhân tạo được cái không thoát nhiệt tốt nhưng độ bền cũng thấp và không hút ẩm. Chính vì những lợi ích đó mà giá thành của vải nhân tạo khá rẻ, có khi chỉ khoảng 700-900 là bạn có thể sở hữu một bộ suit.

Nhưng cũng như đề cập ở trên, vải nhân tạo có thể pha cùng các chất liệu khác để mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Với những người hướng đến sự trải nghiệm khi dùng suit thì vải nhân tạo sẽ không được mình khuyên dùng.

Vải lanh (Linen)

Đặc điểm của loại vải này là siêu nhẹ, phù hợp đủ loại thời tiết – từ đông đến hè. Xu hướng gần đây của các tín đồ thời trang cũng là sử dụng chất liệu này cho thời tiết mùa hè.

Có một thợ may đã nói với mình rằng bộ suit càng nhẹ chứng tỏ càng chất lượng. Vải lanh chính là minh chứng rõ ràng nhất cho câu hỏi đó. Vậy nhưng những bộ suit làm từ vải lanh lại bị hạn chế về việc bảo quản và dễ bị nhăn.

Những người may suit hay mặc suit làm từ linen (vải lanh) thường hướng đến trải nghiệm nhiều hơn. Bản thân mình cũng thích linen vì thực sự khi mặc tạo một cảm giác rất nhẹ nhàng mà sang trọng.

4. Số S

Đây là thuật ngữ mô tả những chất liệu siêu len – chất liệu siêu nhẹ, chống nhăn, thích ứng với hoạt động của cơ thể, thoáng khí. Chất liệu này phù hợp cả thời tiết ấm & mát. Các tag về chất liệu vải sẽ có các thông số S80 đến 180 tương ứng độ dày từ 14.75 micromet đến 19.5 micromet.

  • Số S ở đây mô tả mặt cắt ngang của sợi vải và số S càng cao chứng tỏ sợi vải càng mịn & giá càng đắt;
  • Số S càng cao cũng tương ứng với vải càng nhẹ – thích hợp cho thời tiết ấm;
  • Số S càng nhỏ thì trọng lượng càng lớn;
  • S100-S130 sẽ là lý tưởng cho thời tiết bình thường tại Việt Nam và các dịp bình thường;
  • S140-S140 phù hợp với các dịp sang trọng.

Những chất liệu có số S càng cao thì việc sản xuất ra 1 sản phẩm càng yêu cầu tay nghề cao, đồng nghĩa đó sẽ làm một bộ suit có chất lượng cao.

Một ví dụ về Supper S100.

5. Vải lót và các chi tiết khâu

Mình để đây là phần cuối của chuỗi bài viết vì đây là phần khó để cảm nhận nhất trong tất cả các cách phân biệt một bộ suit chất lượng tốt.

Về căn bản kết cấu một bộ suit hoàn chỉnh sẽ gồm 3 phần chính:

  1. Lớp vải trong;
  2. Lớp vải ngoài;
  3. Lớp vải giữa.

Từ đó vải lót được coi là một trong những chi tiết đánh giá một bộ suit có chất lượng cao hay thấp.

Đối với các bộ suit được may hàng loạt dựa trên máy móc và giảm bớt chi phí sẽ lược bỏ phần giữa của suit.

Số còn lại sẽ vẫn có lớp ở giữa. Phần giữa này được ví như xương sống của bộ suit. Điều này có nghĩa rằng bất kể bộ suit nào có lớp giữa trong thiết kế sẽ mang lại kết cấu vững chắc hơn cũng như bền lâu hơn.

Đối với những bộ suit không có lớp giữa các nhà sản xuất sẽ làm ra bộ suit bằng cách dựng mùng (fused) – đây là thuật ngữ chuyên môn trong may mặc nên mình sẽ không giải thích quá kĩ. Cơ chế chính của cách may này là dùng keo chống thấm nước để liên kết mặt trước của áo. Chính vì dùng keo nên cấu tạo của áo sẽ bị cứng dẫn đến chuyển động không thoải mái khi mặc. Thêm nữa khi nhìn tổng thể bộ suit cũng không mang lại cảm giác uyển chuyển mà thô cứng rõ rệt. Ưu điểm duy nhất của phương pháp này chính là cho ra những sản phẩm giá rẻ.

Đối với những sản phẩm được chau chuốt hơn thì sẽ được may theo phương pháp dựng canh (canvased) – tức là tạo nên một bộ suit đúng nghĩa gồm 3 lớp trong – giữa – ngoài.

Phần giữa suit thường được làm bằng lông ngựa, lạc đà,… Theo mình biết nếu long ngựa thật ở nước ngoài sẽ có chi phí sấp xỉ 3000 Donald Trump. Đương nhiên ở Việt Nam thì mình chưa mua lần nào một bộ như vậy nên mình chưa rõ. Các bạn có thể xem ảnh minh họa để hiểu rõ phần giữa của suit sẽ được dựng như nào.

Trong cách dựng canh còn chia làm 2 nhánh là dựng toàn phần và dựng 1 nửa (full canvas & ½ canvas)

Đối với 1/2 canvas, phần giữa sẽ được dựng từ phần vai trở xuống giữa ngực còn full thì sẽ là cả bộ được dựng khung

Đương nhiên là dựng toàn phần (full canvas) sẽ mang lại bộ suit chất lượng hơn nhưng đi kèm chi phí tốn kém & thời gian may sẽ lâu hơn. Với những người hướng đến trải nghiệm & có ý định sử dụng bộ suit lâu dài thì lời khuyên từ mình vẫn là sắm cho bản thân một bộ suit bespoke, có thể full canvas hoặc ½ canvas nếu chi phí giới hạn.

Các bộ suit được may bằng kĩ thuật dựng canh bạn sẽ để ý thấy phần giao giữa vai và tay áo hơi cong một chút.

Nhận biết một bộ suit có dựng canh hay không chỉ cần dùng 2 ngón tay sờ phần thân áo và di đi xem có cảm nhận được lớp vải ở giữa hay không. Nếu cảm nhận được thì có nghĩa bộ đó dựng khá tỉ mỉ. Ngoài ra những bộ suit được may tỉ mỉ thì bạn có thể lật phần ve áo lên, trên đó thường sẽ có những vết chân chỉ của thợ may bé li ti. Thi thoảng bạn sẽ không thấy nhưng đó là khá hiếm.

6. Thiết kế suit

Một bộ suit được đầu tư bài bản sẽ thường có phần vải thừa để đáp ứng các nhu cầu của chủ nhân khi béo lên hoặc gầy đi mà có nhu cầu sửa lại sao cho vừa người. Các thợ may không bao giờ quên để thừa phần vải để chỉnh sửa cho lần sau. Bạn có thể chú ý chi tiết này khi lật phần gấu quần lên và tương tự với áo.

Thiết kế các chi tiết nhỏ như tay áo, ve áo nếu được bo tròn các góc cũng chứng tỏ thợ may rất tâm huyết cho bộ suit đó.

Nếu ai đã từng xem Hannibal sẽ để ý cách Mads Mikkelsen diện những bộ suit bespoke từ Garrison. Tất cả các chi tiết từ vai, tay áo đến vạt được chú trọng chính xác từng milimet không thể chê vào đâu.

Kết

Trên đây là cách lựa chọn một bộ suit tốt dựa vào các yếu tố cấu thành, bao gồm: độ vừa vặn, chất liệu, các chi tiết, thiết kế, vải lót và số S. Hi vọng những chia sẻ này sẽ giúp các bạn có thêm kiến thức về suit và chọn được cho mình một bộ suit đẹp và chất lượng.

(Theo menback.com)

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN