Bài học trong thời khủng hoảng: Chiến lược dịch chuyển kinh doanh từ Chuỗi giá trị sang Hệ sinh thái


Trong lịch sử kinh doanh, chúng ta đã được chứng kiến những sự soán ngôi ngoạn mục của các thương hiệu tưởng chừng như non trẻ nhưng họ lại có bước chuyển mình mạnh mẽ để có thể sánh vai và vượt mặt các ông lớn. Điều đó phụ thuộc vào một mô hình kinh doanh đúng đắn, phù hợp bên cạnh chất lượng của sản phẩm và dịch vụ.

 

 

Khi bắt đầu một công việc kinh doanh thì việc quan trọng quyết định thành – bại của công việc ấy chính là con đường mà chúng ta chọn, đặc biệt hơn trong những giai đoạn khủng hoảng của doanh nghiệp, của nền kinh tế thì buộc mỗi doanh nhân phải đứng trước lựa chọn “thay đổi hay là chết” khi xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp đã không còn phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế của xã hội.

Buổi tọa đàm “Chiến lược dịch chuyển kinh doanh từ Chuỗi giá trị sang Hệ sinh thái: Bài học trong thời khủng hoảng” do Mạng lưới Nam Phong Cách Doanh Nhân Quốc Tế - BSIN, Mạng lưới Nữ Lãnh Đạo Quốc Tế - WLIN tổ chức với sự thực hiện của Nam Hương Corporation đã mở ra một hướng đi mới cho các doanh nhân trong thời điểm khủng hoảng toàn cầu như hiện nay.

 

 

 Hệ sinh thái và Chuỗi giá trị

Với khái niệm hệ sinh thái (Business Ecosystem) , chúng ta có thể hiểu rằng đây bao gồm một mạng lưới các bên liên quan đến việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ kể cả cạnh trang hay hợp tác (nhà cung cấp, nhà phân phối, khách hàng, đối thủ cạnh tranh,…). Trong một mối quan hệ mật thiết này thì đồng nghĩa với việc một hệ sinh thái phát triển mạnh khi những cá thể trong hệ sinh thái đó liên kết chặt chẽ, hỗ trợ và thúc đẩy nhau cùng phát triển.

Chuỗi giá trị (Pipeline) thực tế đã xuất hiện rất lâu trong đời sống của chúng ta, đây bao gồm các giai đoạn cần thiết cho một sản phẩm hoặc dịch vụ từ lúc còn là khái niệm đến khi phân phối đến người tiêu dùng và cuối cùng là vứt bỏ khi hết thời hạn sử dụng.

Mỗi một mô hình hoạt động đều có những ưu điểm và nhược điểm, điều quan trọng là chúng ta biết lựa chọn mô hình phù hợp với quy mô doanh nghiệp, tình hình tài chính và sản phẩm mà doanh nghiệp đang hướng đến. Bên cạnh đó, hoàn toàn có thể kết hợp 2 mô hình kinh doanh lại với nhau, như Á hậu Qúy bà Thế giới Nguyễn Thu Hương – TGĐ Nam Hương Corp chia sẻ: “Tại Nam Hương, chúng tôi đã xây dựng song song hai hệ sinh thái, bên cạnh việc xuất bản báo, tổ chức sự kiện thì chúng tôi đã bắt đầu xây dựng thêm cộng đồng và những hoạt động về công nghệ như Ứng dụng WService, khi khủng hoảng xảy ra, nguồn doanh thu chính đã bị đình trệ thì Nam Hương vẫn có thể hoạt động nhờ vào các mạng lưới mà chúng tôi xây dựng nên và hiện các mạng lưới đã hoạt động ổn định, đi vào quỹ đạo"

 

Á hậu Qúy bà Thế giới Nguyễn Thu Hương - TGĐ Nam Hương Corporation

 

Hướng đi nào trong thời đại khủng hoảng?

Khi khủng hoảng Covid-19 xảy ra, chúng ta đã thấy được hàng loạt các chuỗi nhà hàng, chuỗi khách sạn phải đóng cửa vì không còn đủ doanh thu và đến lúc này, những doanh nghiệp theo mô hình Hệ sinh thái lại hoạt động một cách mạnh mẽ, mọi người thay đổi thói quen đến những chuỗi nhà hàng để ăn uống mà thay vào đó họ chọn đặt hàng trên ứng dụng đồ ăn; kể cả mua sắm cũng được thực hiện trên các trang thương mại điện tử, các chuyên gia dự đoán sau cuộc khủng hoảng này sẽ cũng chính là lúc thói quen tiêu dùng của con người thay đổi. Chính lúc này, các doanh nhân cũng đã nắm bắt được xu hướng của thị trường và nhạy bén thay đổi phương thức kinh doanh.

 

 

Doanh nhân Nguyễn Thị Kim Huyền (Jolie Nguyễn) – Chủ thương hiệu Genki Japan House bộc bạch: “Khi bệnh dịch bùng nổ, tất cả các nhà hàng của Genki chao đảo vì lượng khách hàng đến ít, doanh thu không có, không thể chi trả chi phí mặt bằng, nhân viên,… Tôi suy nghĩ rất nhiều và quyết định chuyển hướng sang việc bán online và trên các nền tảng số. May mắn là bên tôi cũng có cung cấp nguyên liệu nên khi nhiều người kinh doanh online, họ cũng tìm đến tôi để đặt hàng. Chính cuộc khủng hoảng này đã làm tôi thay đổi rất nhiều, tôi biết tận dụng tất cả những phương tiện có thể để marketing cho sản phẩm của mình, ngay cả trên trang cá nhân và tôi nhận thấy rằng, bên cạnh đó, nhờ những mối quan hệ tạị Mạng lưới Nữ Lãnh đạo Quốc tế - WLIN, tôi cũng có thêm nguồn khách hàng thân thiết, đây là một phương pháp rất hiệu quả, ít nhất là đối với doanh nghiệp của tôi hiện tại và tôi cũng đang suy nghĩ đến việc tiếp tục phát triển mô hình này trong thời điểm sau khủng hoảng”.

 

Doanh nhân Nguyễn Thị Kim Huyền

 

Có thể thấy, những công ty không biết nắm bắt mô hình kinh doanh hệ sinh thái và không nắm được những quy tắc chiến lược mới của mô hình này sẽ khó có thể cạnh tranh lâu dài.

Chiếc phao cứu sinh mang tên Công nghệ

Thật khó có thể phủ nhận vai trò to lớn của Công nghệ đối với sự phát triển của mô hình Hệ sinh thái, giúp việc xây dựng và mở rộng Hệ sinh thái trở nên đơn giản và rẻ hơn, giúp cho việc tham gia và củng cố “hiệu ứng mạng lưới” trở nên trơn tru hơn, cũng như nâng cao khả năng nắm bắt, phân tích và trao đổi lượng lớn dữ liệu, tăng giá trị cho các bên tham gia trong hệ sinh thái. Thực tế, những doanh nghiệp đang vận hành rất tốt mô hình này là Grab, VinGroup, Airbnb đều có sự tăng trưởng ngoạn mục, góp phần phát triển ngành công nghiệp mà họ đang kinh doanh.

 

 

Hiệu ứng mạng lưới

Khi chúng ta tạo nên được một hệ sinh thái mạnh mẽ thì sẽ hình thành nên hiệu ứng mạng lưới, theo đó, quy mô càng lớn sẽ tạo ra giá trị càng cao, mà giá trị cao sẽ thu hút nhiều người tham gia và tiếp tục tạo ra những giá trị to lớn hơn. Đây cũng là một cách khác để tạo nên thế độc quyền cho các công ty, đại diện tiêu biểu như Android cuả Google với 82% hệ điều hành di động ; Facebook, bá chủ của nền tảng mạng xã hội.

Bên cạnh đó, một mạng lưới mạnh sẽ tạo ra những giá trị lớn cho cộng đồng và xã hội, Á hậu Nguyễn Thu Hương – TGĐ Nam Hương Corp, đơn vị điều hành nhiều mạng lưới, đã chia sẻ: “Với việc hình thành mạng lưới, tôi mong muốn giúp đỡ cho tất cả mọi người có cơ hội được kiếm thêm thu nhập mà không phải bỏ ra chi phí lớn vào mặt bằng, nhân viên,…Chính vì thế, từ mạng lưới WLIN và BSIN tôi đã sáng lập ra hệ sinh thái phụ nữ khởi nghiệp WSUN, đây là cộng đồng giống phụ nữ có thể khởi nghiệp trong lĩnh vực làm đẹp với sự hỗ trợ của các Huấn luyện viên dày dạn kinh nghiệm; hay Mạng lưới cộng đồng làm cha mẹ chuyện nghiệp - PPC, ở đó các bậc cha mẹ vừa tham gia những buổi học về dạy con mà họ vừa có thể tham gia kinh doanh các mặt hàng về gia đình; Cộng đồng sống khỏe - WHS để những người muốn kinh doanh sản phẩm về sức khỏe nhưng không có nhiều vốn họ có thể tiêu dùng và bán sản phẩm, ngược lại chúng ta hạn chế được các chi phí về marketing sale,..."

 

 

Ba bước chuyển đổi từ Chuỗi giá trị sang Hệ sinh thái

  • Từ kiểm soát đến phối hợp nguồn lực: Với mô hình Chuỗi giá trị thì sản phẩm thường là tài sản hữu hình còn với Hệ sinh thái thì là những tài sản vô hình, sản phẩm trí tuệ,…nên khó có thể sao chép hơn.
  • Từ tối ưu hóa nội bộ đến tương tác với bên ngoài: Hệ sinh thái tạo ra giá trị bằng cách tạo điều kiện cho sự tương tác giữa các nhà sản xuất bên ngoài và người tiêu dùng, giúp giảm được các biến phí trong quá trình sản xuất
  • Từ tập trung vào giá trị khách hàng đến tập trung vào giá trị của hệ sinh thái: Mô hình hệ sinh thái tập trung vào tối đa hóa tổng giá trị của hệ sinh thái rộng lớn trong một quy trình tuần hoàn, lặp lại và hoạt động dựa trên các phản hồi.
  •  

 

Theo Phong Cách Doanh Nhân

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN