Kế sách nào cho doanh nhân vượt khó?


Các doanh nghiệp bản lĩnh hoàn toàn có khả năng biến thách thức thành cơ hội, biến “nguy” thành “cơ”, làm việc chặt chẽ trong từng khâu để sẵn sàng bứt phá.

 

 

Theo kết quả khảo sát nhanh của VCCI, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. Điều này sẽ kéo theo những tác động vô cùng lớn từ hệ lụy của dịch bệnh và cuộc suy thoái toàn cầu, dẫn đến tình trạng suy giảm của doanh nghiệp.

Chính vì thế, mỗi doanh nghiệp nếu muốn trụ vững trong thời đại dịch này thì cần phải đề ra những kế sách phù hợp với thực tế doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường.

Chính vì thế Mạng lưới Nam Phong Cách Doanh Nhân – BSIN Global cùng với Mạng lưới Nữ lãnh đạo Quốc tế - WLIN Global đã cùng tổ chức buổi Meeting Zoom Online với chủ đề: “Kế sách cho doanh nhân vượt khó” với sự tham gia của những khách mời đặc biệt: Ngài Saadi Salama – Đại sứ Palestine tại Việt Nam; Doanh nhân Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân và Gia đình Việt Nam; Á hậu Qúy bà Thế giới Nguyễn Thu Hương – TGĐ Nam Hương Corp.

 

 

Việt Nam hiện nay đang giao thương với rất nhiều quốc gia trên thế giới, chính vì thế chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng về kinh tế khi các quốc gia khác đều đang gặp khủng hoảng. Chính vì thế, mọi quyết định, quyết sách của Việt Nam đều cần phải dõi theo động thái của nhiều nước để có thể có một hướng đi đúng đắn.

Là Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam từ năm 2009 đến nay, đồng thời là chuyên gia về Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Nam Á, Đại sứ Palestine nhận định rằng: “Việt Nam với lịch sử chiến thắng rất nhiều cuộc chiến tranh xâm lược, những cuộc khủng hoảng và đại dịch SARS 2003, bên cạnh đó là sự đồng lòng của toàn dân, sự can thiệp và xử lý kịp thời của Chính phủ là điểm mạnh để Việt Nam có thể chiến thắng đại dịch, khôi phục lại kinh tế. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận thấy rằng hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang linh hoạt để có thể chống chọi lại với cuộc khủng hoảng này”.

 

Ngài Saadi Salama – Đại sứ Palestine tại Việt Nam

 

Doanh nghiệp phải tự tạo ra sức đề kháng

Hiện nay, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thì Chính phủ cũng đã đề ra những gói hỗ trợ tức thời, tuy nhiên theo nhận định của doanh nhân Nguyễn Hồng Sơn, những gói hỗ trợ này chỉ đóng vai trò như máy thở, có tác dụng trong thời gian ngắn, điều cần thiết cho doanh nghiệp đó là sức đề kháng, khả năng chống chọi và phục hồi trong cơn dịch bệnh. Các doanh nghiệp thay vì trông chờ vào việc được cứu thì mỗi doanh nghiệp hãy chủ động tìm ra những hướng đi cho mình để phòng trường hợp xấu nhất là bệnh dịch còn kéo dài thì công ty vẫn hoạt động, người lao động vẫn có việc làm để không gây ra chuỗi khủng hoảng domino như nhiều doanh nghiệp hiện nay. “Không có một chính sách nào có thể áp dụng được cho hầu hết các doanh nghiệp, nhưng trong thời gian này, các chủ doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề sau:

- Giảm tối đa những chi phí cố định của doanh nghiệp

- Thích nghi với công nghệ để kết nối khách hàng cũng như đối tác.

Mỗi doanh nhân hãy là một bác sĩ để bắt mạch cho doanh nghiệp của mình, biết doanh nghiệp đang “đau” chỗ nào, khó ra sao để tìm ra phương hướng giải quyết.” – Doanh nhân Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

 

Doanh nhân Nguyễn Hồng Sơn

 

Xây dựng nhiều kịch bản cho các trường hợp

Mỗi doanh nghiệp cần phải nhìn lại bản thân doanh nghiệp của mình có thể trụ vững trong thời gian bao lâu, 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm để phòng trường hợp xấu nhất là đại dịch này còn tiếp tục kéo dài thì giải pháp cần đề ra là gì?

Thứ nhất là trụ hạng: như các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ làm việc với các đối tác nước ngoài thì có thể chuyển hướng ra các sản phẩm dành cho các khách hàng tại Việt Nam để vẫn có nguồn thu dù ít, nhưng vẫn đủ để duy trì doanh nghiệp trong thời gian này.

Nếu trong tình huống xấu nhất là phải đóng cửa doanh nghiệp thì điều quan trọng nhất mà doanh nhân cần giữ đó là văn hóa của doanh nghiệp, những nhân sự cốt cán,…vì còn người là còn tất cả, chúng ta có thể xây dựng lại công ty sau khủng hoảng. Đến lúc này chúng ta cần đến nguồn tiền dự phòng trong nội bộ để hỗ trợ nhân viên trong thời gian phải nghỉ việc tạm thời, đó cũng là cách để chúng ta giữ chân nhân tài.

 

 

Đại dịch này cũng là một phép thử để chúng ta có thể có những phương án dự phòng tốt hơn, vì có thể trong tương lai sẽ có rất nhiều cuộc khủng hoảng lớn hơn có thể xảy ra.

Sau khủng hoảng là cơ hội cho những khởi đầu mới

Người tồn tại sau các cuộc khủng hoảng là người có thể thích nghi tốt trong mọi trường hợp, chủ doanh nghiệp là người luôn biết xoay chuyển mình, trong tâm thế học tập những điều mới để đưa doanh nghiệp trụ vững trong cơn bão, chia sẻ về câu chuyên thực tế của bản thân doanh nghiệp mình, Á hậu Nguyễn Thu Hương cho biết: “Trước khủng hoảng, công ty tôi vừa nhận được hai dự án rất lớn, có thể nuôi sống cả công ty, nhưng khi dịch lan rộng, mọi công việc phải ngưng trệ thì tôi buộc phải đứng trước lựa chọn, một là  tiếp tục theo những dự án ấy, hai là tìm hướng đi khác dù doanh thu thấp hơn nhưng an toàn. Và cuối cùng tôi chọn phương án hai, tạm dừng các dự án vì thời điểm dịch lan rộng, các chiến lược sẽ không thể đi đúng hướng, tôi tập trung xây dựng một hệ sinh thái là các cộng đồng khởi nghiệp như Cộng đồng Phụ nữ khởi nghiệp – WSUN, Cộng đồng làm cha mẹ chuyên nghiệp – PPC và Cộng đồng sống khỏe – WHS,  để giúp đỡ mọi người có cơ hội kinh doanh với chi phí thấp, may mắn dự án đang được rất nhiều người quan tâm và tạo cho công ty nguồn lợi đủ để duy trì.”

 

Á hậu Thu Hương cùng các nữ doanh nhân trẻ trong mạng lưới WSUN

Theo Phong Cách Doanh Nhân

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN