Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam: “Sức sống của người dân nói chung và doanh nghiệp nói riêng chính là sức mạnh của cả dân tộc.”


Vừa qua, Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam đã có những chia sẻ sâu lắng xoay quanh các doanh nghiệp Việt Nam trong công cuộc phục hồi và phát triển hậu đại dịch Covid-19. Trong bài viết, anh bày tỏ những suy nghĩ đối với tình hình các doanh nghiệp ngày nay.

Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam là một trong những CEO tài năng của Việt Nam. Anh hiện là Tổng giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam (Tập đoàn Berjaya – Malaysia). Tập đoàn Berjaya là đối tác duy nhất của Vietlott trong dự án triển khai kinh doanh xổ số tự chọn tại Việt Nam trong 18 năm. Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SaigonBank Berjaya. Ngoài ra, anh còn là đại diện vốn tại Khách sạn Sheraton - Hà Nội, Longbeach Phú Quốc và nhiều dự án bất động sản quy mô tầm cỡ khác.

Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam còn là người sáng lập và điều hành Công ty Cổ phần Truyền thông và Đầu tư Nam Hương. Anh chia sẻ: Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 năm nay có lẽ là một ngày Doanh nhân đặc biệt nhất kể từ ngày ngày này được ra đời. Kỷ niệm ngày Doanh nhân năm nay diễn ra sau một đợt dịch kinh hoàng xảy ra với nước ta và chỉ sau 2 ngày Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành, cởi trói phần lớn những giới hạn đi lại, giao tiếp và các sinh hoạt thường nhật tối thiểu của một xã hội văn minh.”

Có lẽ vì vậy sau gần 2 năm chống dịch khẩn trương, câu hỏi thật nhất và thiết yếu nhất bây giờ là kinh tế sẽ phải phục hồi ra sao? Và gần gũi hơn nữa là doanh nghiệp gượng dậy bằng cách nào?

“Có lẽ không khó để tìm các giải pháp, ý kiến chuyên gia đã nêu ra trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kiến nghị đầy tâm huyết tại các hội nghị... Trong góc độ của một công dân và một doanh nhân, thực tâm tôi cũng muốn được đặt các câu hỏi cụ thể. Vì khi thực sự các câu hỏi được trả lời thì các doanh nghiệp đang “bị thương " mới mạnh dạn và đủ niềm tin để quay lại thị trường.”, Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam đau đáu chia sẻ.

Theo các số liệu được công bố của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp tuyên bố phá sản ở Việt Nam là 12,19 nghìn và số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 43,17 nghìn, tăng hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (cùng với các con số tương ứng là khoảng 10,4 nghìn và 34,3 nghìn). Cũng trong thời gian này, số lượng doanh nghiệp được thành lập mới là 81,58 nghìn, thấp hơn so với con số 88,7 nghìn của 8 tháng đầu năm 2020.

Đứng trước những số liệu của các doanh nghiệp Việt Nam, danh nhân Nguyễn Hoài Nam đã trải lòng cùng các doanh nhân qua ba câu hỏi:

- Đó là từ đầu năm 2021 đến nay, dư âm của cả năm ngoái, hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ đã ngừng hoạt động và không biết bao nhiêu nghìn doanh nghiệp đã “trọng thương”. Vậy đã bao giờ Chính phủ và chính quyền các địa phương thấy có hay ít nhất cảm nhận rằng số doanh nghiệp “chết” và “bị thương” oan rất nhiều không?

- Trong cái mờ mờ oan uổng đó, có phải chăng nỗi sợ hãi với dịch bệnh và nỗi sợ trách nhiệm đã dẫn đến các phương pháp chống dịch cổ hủ, quá nguyên tắc nhưng luôn có ở nhiều địa phương là cấm đã góp phần làm hậu quả lớn hơn không?

- Và thật sự các gói giải pháp, những con số cứu trợ nền kinh tế từ các chính sách từ Trung ương đến các địa phương có thực sự gần gũi, hiệu quả và chạm đúng vào cái khát khao và khắc khoải của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa?

Nói về sợi dây gắn kết giữa Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân, Doanh nhân Hoài Nam nhấn mạnh: “Ai là doanh nhân cũng đau đáu trong mình ý chí vươn lên mạnh mẽ, trong cái khó chung vừa qua, sức sống của người dân nói chung và doanh nghiệp nói riêng là đáng trân trọng, đó là sức mạnh của cả dân tộc, Chính phủ và các địa phương một lần nữa nên gần hơn, tin hơn nhân dân và đội ngũ doanh nhân. Hãy để họ chủ động hơn, đóng góp và tự đề kháng hơn với nghịch cảnh thay vì can thiệp bằng các mệnh lệnh hành chính lạnh lùng và cục bộ. 

Doanh nhân đặt câu hỏi song cũng đã tự xác định câu trả lời là mong muốn cùng nhìn về phía trước, cũng mở rộng các chính sách có lợi nhất cho doanh nghiệp và trả lại đầy đủ sức mạnh của tự chủ, tự quyết định để họ hoàn toàn có thể tự bảo vệ và phát triển và đóng góp cho đất nước. Chính sách tiền tệ, thuế, độ mở của nền kinh tế nằm trong tay của Chính phủ, doanh nghiệp tin tưởng và chắc chắn sẽ lo được trọng trách của mình là tạo công ăn việc làm, mở rộng thị trường, thay đổi bộ mặt xã hội và đất nước.”

Nhà nước nên sử dụng các công cụ (như giảm thuế, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ thông tin) khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào thay đổi bộ máy sản xuất, thay đổi quản lý và tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực để có thể thích nghi với tình hình mới. Bên cạnh đó, đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam nên nhìn lại chặng đường đã đi qua, tiếp tục thích nghi và chuyển mình phù hợp với các xu thế xã hội. 

“Ngày Doanh nhân năm nay, trong điều kiện dịch nặng nề vừa giảm, số doanh nghiệp “chết” và “bị thương” quá nhiều, tâm tư ai cũng ngổn ngang nhưng sự mạch lạc trong tư duy của đội ngũ doanh nhân Việt Nam luôn vững vàng, luôn mang tính đóng góp, xây dựng và cống hiến.

Dịch rồi sẽ qua đi và có khi dịch khác lại rình rập, tôi cho rằng chỉ có sự thấu hiểu và khăng khít giữa Chính phủ và doanh nghiệp thông qua chính sách đúng, kịp thời, tôn trọng lẫn nhau mới giúp chúng ta đứng vững và phát triển.”, Doanh nhân Hoài Nam chia sẻ.

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN