Kamala Harris - Người phụ nữ bứt phá những rào cản


Kamala Harris được báo chí phương Tây gọi là "người phụ nữ bứt phá những rào cản". Và ngày hôm qua, bà đã phá thêm một rào cản nữa, trở thành một Phó Tổng thống với rất nhiều điều "đầu tiên".

 

Khuya ngày 7/11, kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng đã ngã ngũ. Ông Joe Biden đã trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ sau khi giành chiến thắng trước ông Donald Trump tại bang Pennsylvania để vượt qua mốc 270 phiếu đại cử tri (cụ thể là 284 phiếu).

Nhưng chiến thắng của ông Biden còn mang đến một sự kiện khác mang tính lịch sử, về Kamala Harris - người sẽ trở thành Phó Tổng thống. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ có một Phó Tổng thống là nữ, là người da màu, và có gốc Nam Á.

 


Bà Kamala Harris

 

Bà Harris là con trong một gia đình di cư tới Mỹ, trong đó cha từ Jamaica và mẹ từ Ấn Độ. Sự nghiệp chính trị của bà Harris có rất nhiều khoảnh khắc "bứt phá giới hạn", chẳng hạn như trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên làm Tổng chưởng lý bang California, là người phụ nữ da màu thứ 2 và phụ nữ gốc Nam Á đầu tiên trở thành thượng nghị sĩ Hoa Kỳ.

Trước khi làm nên lịch sử, bà Harris cho thấy mình sở hữu kỹ năng tranh luận rất sắc bén cùng sự thấu hiểu về di sản đa chủng tộc. Cả hai kỹ năng ấy được rèn giũa tại ĐH Howard, một trong những trường đại học danh giá nhất, từng dành riêng cho người da màu tại Mỹ.

Hình mẫu lý tưởng


Mẹ của Harris - bà Shyamala Gopalan tới Mỹ từ tuổi 19 để theo học bằng tiến sĩ về dinh dưỡng và nội tiết tại ĐH California, Berkeley. Bà Gopalan chính là người có ảnh hưởng lớn nhất tới Harris và em gái là Maya.

Harris từng chia sẻ, mẹ của bà - một nhà hoạt động dân quyền - là hình mẫu lý tưởng để bà noi theo, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn từ việc là người nhập cư cho đến chuyện phải một mình nuôi con, gây dựng sự nghiệp tại Mỹ.

 


Gia đình nhà Harris

 

Bà Gopalan gặp ông Donald Harris (là người da màu) trong một lần tham gia biểu tình. Họ kết hôn, có với nhau 2 người con nhưng sau đó ly dị, để bà Gopalan một mình nuôi dạy. Gopalan hiểu rằng dù là con lai nhưng mọi người sẽ chỉ xem con gái bà như người da đen, và điều này khiến bà quyết tâm nuôi dạy cả hai thành "những phụ nữ da màu tự tin và kiêu hãnh" - trích trong cuốn tự truyện của Harris.


Người phụ nữ làm nên lịch sử


Trên thực tế, bà Harris cũng là một ứng viên ra tranh cử Tổng thống Mỹ 2020. Bà sớm gây chú ý với cuộc tranh luận cùng chính ông Joe Biden về vấn đề phân biệt chủng tộc. Theo ông Biden, đây là một cuộc đụng độ rất bất ngờ, bởi với tư cách Tổng chưởng lý của bang California, bà Harris từng làm việc chung rất nhiều lần với Beau Biden - người con trai đã qua đời của ông.

Và giờ, bà sẽ trở thành Phó Tổng thống của Hoa Kỳ, trở thành một cột mốc lịch sử của quốc gia này.


"4 năm trước, Kamala Harris trở thành người phụ nữ gốc Nam Á đầu tiên được bầu vào Thượng viện," - chính trị gia Pramila Jayapal cho biết. "Giờ đây, bà trở thành Phó Tổng thống của Hoa Kỳ! Chúng ta không chỉ phá vỡ giới hạn, mà còn dựng nên một con đường mới cho hàng triệu người hướng đến tương lai."

"Tôi có cảm giác như tổ tiên của chúng ta đang ăn mừng," - chính trị gia Cory Booker nhận định. "Lần đầu tiên chúng ta có một Phó Tổng thống là một phụ nữ da màu, và cũng là phụ nữ gốc Nam Á đầu tiên trong lịch sử."

 


Andra Gillespie - phó giáo sư ngành khoa học chính trị tại ĐH Emory trả lời phỏng vấn cùng NBC News: "Tôi nghĩ nó (chiến thắng của Harris) thực sự quan trọng, vì đã nâng tầm phụ nữ da màu nói riêng và phụ nữ nói chung theo cái cách họ chưa từng được hưởng."

Nguồn: NBC News, K14

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN