Tiến sĩ Lý Quí Trung: Chuyển giao kế nghiệp không chỉ là chuyện riêng của mỗi gia đình mà là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội


Là doanh nhân thành đạt và nổi tiếng, tiến sĩ Lý Quí Trung chia sẻ chuyện kế nghiệp trong gia đình ông một cách nhẹ nhàng, không gò bó. Ông bày tỏ các thế hệ đi trước cần có kế hoạch chuyển giao kế nghiệp từ trước, tránh “nước đến chân mới tính".

Nhắc đến TS. Lý Quí Trung, người ta hay nhớ về thương hiệu Phở 24 mà ông đã sáng lập và câu chuyện “bán mình” của Phở cách đây nhiều năm. TS. Lý Qúi Trung với những trải nghiệm quý báu của bản thân từ các công việc kinh doanh, giảng viên, cố vấn tại các trường Đại học trong và ngoài nước đến việc viết sách, báo… đã giúp ông đưa ra nhiều quan điểm, chia sẻ đầy ý nghĩa trên các diễn đàn. Chính những chia sẻ, triết lý của ông từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều doanh nhân khác, đặc biệt là các doanh nhân trẻ đang trên hành trình khởi nghiệp.

Chào TS. Lý Quí Trung, cảm ơn ông đã dành thời gian cho Phong Cách Doanh Nhân. Tiến sĩ có thể chia sẻ với độc giả Phong Cách Doanh Nhân về cuộc sống của ông hiện nay?

Tôi hiện đang sống và làm việc tại Sydney (Úc), nhưng sắp tới sẽ phân bổ thời gian giữa Úc và Việt Nam. Những năm gần đây tôi quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực giáo dục đại học, vì vậy tôi có cộng tác với trường Đại học Western Sydney ở Úc với vai trò Cố vấn cao cấp và Giáo sư kiêm nhiệm của khoa Quản trị Kinh doanh.

Đối với lĩnh vực kinh doanh, hiện tại tôi vẫn tiếp tục tham gia với vai trò đồng sáng lập hay cố vấn cho một số dự án startup sáng tạo. Đây là lĩnh vực rất thú vị, vì sự thành công của bất kỳ dự án nào cũng sẽ đem lại giá trị đóng góp lớn cho cộng đồng và xã hội. Ngoài ra, tôi đang cân nhắc tham gia với vai trò thành viên Hội đồng quản trị độc lập cho một số công ty tôi đã chọn.

Chủ đề “Kế nghiệp” mà ông gợi mở trong thời gian gần đây thực sự đang trở thành một đề tài nóng trong giới doanh nhân, bởi nhiều công ty gia đình rất thành công ở thế hệ đầu tiên nhưng vô cùng đau đầu để chọn người kế nghiệp. Bản thân gia đình ông giải quyết vấn đề này thế nào?

Câu chuyện kế nghiệp thật sự là vấn đề đau đầu cho giới doanh nhân không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở các nước trên thế giới. Nhiều công ty lớn thành công ở thế hệ đầu tiên, tuy nhiên khi chuyển giao qua thế hệ kế tiếp lại bị lụi tàn vì nhiều lý do. Trong đó có lý do chọn không đúng người kế nghiệp, hoặc dù chọn đúng đi nữa nhưng không có sự chuẩn bị đầy đủ cũng dễ dẫn đến thất bại. Chuẩn bị ở đây là đến từ cả hai phía: phía thế hệ chuyển giao và phía thế hệ nhận chuyển giao.

Đối với gia đình tôi, vấn đề kế nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực được nhìn theo cách nhẹ nhàng, không gò bó. Tôi muốn con cái mình chọn lựa ngành nghề mà các con yêu thích và phù hợp nhất, dĩ nhiên với sự định hướng khéo léo từ cha mẹ. Kinh doanh ẩm thực coi vậy mà rất cực nhưng lại rất “nghệ sỹ” và đầy tính nghệ thuật, chỉ có niềm đam mê mới có thể theo đuổi trọn vẹn.  

Lập nghiệp rất khó, giữ được cơ nghiệp bền vững (qua nhiều thế hệ) lại càng muôn vàn khó, ông nhận định thế nào về điều này?

Nhận định này quá đúng! Vì mỗi thế hệ có suy nghĩ, kinh nghiệm và trình độ hiểu biết khác nhau, thậm chí văn hoá cũng khác nữa, nhất là đối với con em của các doanh nhân đi du học ở nước ngoài trở về để tiếp quản cơ nghiệp của cha mẹ.

 Chưa kể môi trường kinh doanh tại mỗi thời điểm lại có mỗi nhu cầu về cách điều hành, hoạt động khác nhau. Có những thứ rất thành công trong quá khứ nhưng chưa chắc sẽ phù hợp cho tương lai. Vì vậy, việc điều chỉnh có hiệu quả hay không tuỳ vào sự phối hợp chuyển giao giữa hai thế hệ. 

Nhiều nghiên cứu cho thấy thực tế đa số các công ty gia đình lớn đều phá sản hay đi xuống ở đời thứ hai. Nguyên nhân chủ yếu do sự thiếu sự chuẩn bị của thế hệ đi trước và sự thiếu học hỏi của thế hệ đi sau. Như báo cáo của tổ chức RBC chuyên nghiên cứu về kế nghiệp năm 2017 (RBC’s Wealth Transfer Report 2017), chỉ 39% các chủ doanh nghiệp lớn tham gia khảo sát trả lời là có kế hoạch chuyển giao công việc kinh doanh cho thế hệ đi sau một cách bài bản, đàng hoàng.

Đó là tình hình ở các nước có nền kinh tế đi trước Việt Nam rất xa. Vì vậy có thể nói lập nghiệp rất khó, giữ được cơ nghiệp bền vững càng khó, và giữ được cơ nghiệp phát triển bền vững với sự chuyển giao giữa các thế hệ trong gia đình lại càng khó hơn.    

Vậy để khắc phục tình trạng này, các chủ doanh nghiệp cần phải làm gì thưa ông?

Các thế hệ đi trước phải có kế hoạch chuyển giao kế thừa được tính toán từ trước, đừng để nước đến chân rồi mới tính. Tôi có một số người quen, họ cũng đợi gần đến “phút 90” mới đem chuyện chuyển giao cơ nghiệp cho con mình ra bàn bạc, để rồi vỡ lẽ ra là con cái họ không hề hứng thú. Không ít doanh nhân thành công thế hệ đầu thắc mắc rằng tại sao họ sẵn sàng trao quyền làm chủ cả một sản nghiệp cho con cái mà con họ lại không muốn nhận, lại muốn đi làm công cho người khác ở một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ. Tuy nhiên, đây không phải chuyện hiếm hoi, nhất là lớp trẻ về sau có nhiều sự chọn lựa và độc lập hơn trong suy nghĩ.

Do đó, khi đã bị rơi vào tình trạng vô cùng bị động, các doanh nhân đến tuổi “gác kiếm” đã không còn cách nào khác là phải chuyển giao cơ ngơi mà mình dày công xây dựng nhiều năm cho người ngoài một cách miễn cưỡng. Khi đó họ sẽ nghĩ, ước gì mình đem vấn đề chuyển giao ra thảo luận thẳng thắn với con cái sớm hơn, để có đủ thời gian tính toán. Có khi họ chỉ cần đề cập nhẹ nhàng thông qua các bữa cơm hay các dịp quây quần của gia đình là cũng được rồi.

Thế giới đã chứng kiến nhiều trường hợp phiền toái khi chuyển giao kế thừa của các đế chế gia đình chỉ vì sự xung đột giữa anh em, con cháu ruột thịt với nhau. Điều đó nói lên một thực trạng: không phải doanh nhân kinh doanh giỏi thì chuyển giao cơ ngơi cho con cháu mình cũng giỏi. Việc gì cũng cần có sự đầu tư về thời gian và suy nghĩ thấu đáo mới có thể thành công. Bởi nếu không khéo, chính sản nghiệp quý giá của mình để lại sẽ trở thành gánh nặng hay tác nhân gây mất đoàn kết gia đình.

Về yếu tố khác biệt văn hoá, phần lớn con em của các doanh nhân tại Việt Nam đều được học tập ở nước ngoài, sau đó quay về và tiếp quản cơ nghiệp cha ông, bên cạnh lợi thế về kiến thức hội nhập thì việc phát sinh những bất đồng trong văn hoá hai thế hệ cũng đã xảy ra nhiều, theo ông làm thế nào để chiến lược chuyển giao được đảm bảo, thuận lợi và thành công?

Các em du học ở nước ngoài về tiếp quản công ty không chỉ gặp khó khăn về việc khác biệt văn hoá đối với thế hệ đi trước, mà còn với cả đội ngũ nhân viên và môi trường kinh doanh đặc thù của Việt Nam. Do đó, thật sai lầm khi chuyển giao việc điều hành cơ ngơi của mình cho thế hệ đi sau khi mọi thứ chưa thật sự sẵn sàng.

Niềm yêu thích, đam mê với công việc vẫn chưa đủ. Kiến thức thực tế và kinh nghiệm tích lũy trong quá trình làm việc, đào tạo, thử thách mới làm nên một nhà lãnh đạo trẻ kế nghiệp thành công. Lộ trình này ít nhất cũng phải mất vài ba năm, có nhiều chuyên gia còn cho rằng 5-10 năm là con số đẹp nhất. Trong suốt quá trình này người được chọn kế nghiệp cần trải qua nhiều khâu, nhiều vị trí khác nhau để trui rèn, rồi từng bước thu phục được lòng tin từ phía nhân viên. Một lãnh đạo mà không có lòng tin, sự nể phục từ phía đội ngũ nhân viên thì gần như không có gì trong tay!

Sự khác biệt về văn hoá của hai thế hệ sẽ là yếu điểm “chết người” nếu việc chuyển giao không được chuẩn bị chu đáo. Ngược lại nó cũng có thể là điểm mạnh, là vũ khí lợi hại nếu sự chuyển giao được kết hợp giữa kinh nghiệm, bản lĩnh của thế hệ đi trước với kiến thức và sức sáng tạo của thế hệ đi sau, ngay cả khi người kế nghiệp đã đủ chín muồi để ngồi vào vị trí lãnh đạo cao nhất.

Bằng chứng là Hội đồng quản trị của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới thường bao gồm cả cha, mẹ hoặc người thân đại diện cho thế hệ đi trước của gia đình. Đối với các công ty nhỏ hơn và không có HĐQT bài bản thì có thể thành lập Ban cố vấn. Mục đích để các thành viên của thế hệ đi trước có cơ hội và cơ chế được tiếp tục sát cánh, hỗ trợ ngay phía sau.

Lại có nhiều gia đình doanh nhân con cái không thích hay không thể nối nghiệp mẹ cha, thương hiệu gầy dựng hàng chục năm và với mong muốn trường tồn nhưng buộc dừng lại hay trao quyền cho người ngoài, ông nhận định ra sao về những trường hợp này thưa ông?

Tôi nghĩ thương hiệu do mình tạo ra nếu được duy trì trường tồn trong tâm trí người tiêu dùng sẽ hơn là việc thế hệ con cháu mình nắm giữ mãi mãi. Nếu thương hiệu vừa được duy trì mãi mãi mà vẫn thuộc quyền sở hữu của gia đình qua nhiều thế hệ thì còn gì bằng, nhưng không phải ai cũng làm được điều đó.

Nếu có điều kiện và cơ hội để làm điều đó nhưng ngặt nỗi chính con cháu mình lại không mặn mà để kế nghiệp thì đúng là một điều éo le, đau khổ. Đối với trường hợp này, các chủ doanh nghiệp cần phải tính toán các phương án càng sớm càng tốt, trước khi “buông súng đầu hàng”.

Một trong những “chiêu” khá phổ biến là tìm cách “chuyển hoá” tư tưởng, sở thích của con cháu mình. Nói khác đi, thế hệ đi trước nên tìm cách ảnh hưởng, dẫn dắt con cháu từ từ, đi từ chỗ làm quen với công ty đến yêu quý công việc lúc nào không hay. Tôi biết một số doanh nhân lớn ở Việt Nam cũng áp dụng chiến thuật này, có người thành công nhưng cũng có người chưa.

Ông có nghĩ là chủ đề kế nghiệp ở Việt Nam cần được giới chủ doanh nghiệp quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa trong giai đoạn nền kinh tế đang chuyển mình bước vào thời kỳ của thế hệ thứ hai?

Tôi nghĩ rất cần là đằng khác! Nhìn từ góc độ vĩ mô, càng nhiều doanh nghiệp chuyển giao kế thừa suôn sẻ thì nền kinh tế nước nhà càng thành công và tránh được nhiều thiệt hại, thất thoát không đáng có. Mỗi một doanh nghiệp chuyển giao thế hệ thuận lợi thì hàng chục, hàng trăm hay hàng ngàn cán bộ công nhân viên và người thân gắn liền với họ bảo toàn được cuộc sống ổn định.

Do đó cũng không sai khi nói: việc chuyển giao kế nghiệp là câu chuyện riêng của gia đình doanh nhân, song nó cũng là câu chuyện chung của xã hội. Hay nói một cách khác, đó cũng là một trách nhiệm của doanh nghiệp, của doanh nhân đối với xã hội.

Cảm ơn TS. Lý Quí Trung về những chia sẻ của ông!

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN