Khó đấu thầu dự án năng lượng tái tạo


Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy nêu quan điểm không ủng hộ đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo bởi thủ tục pháp lý và quá trình chuẩn bị rất phức tạp.

IMG_20211130_212419

Ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam. Ảnh Trọng Hiếu

Hiện nay, các quyết định ưu đãi giá FIT đối với cả 2 loại hình năng lượng tái tạo phổ biến nhất là điện gió và điện tái tạo đều đã hết hiệu lực. Các nhà đầu tư đang rất quan tâm về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam trong thời gian tới.

Để có cái nhìn tổng thể về vấn đề này, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

Nhiều dự án điện gió đã lỡ hẹn phát điện với "deadline" 31/10 vừa qua và không được hưởng ưu đãi giá FIT, trong đó không ít dự án gặp nhiều khó khăn vì lý do dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, có ý kiến đề xuất kéo dài cơ chế giá FIT đến cuối tháng 3/2022. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Vy: Dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, trong đó có việc triển khai các dự án điện gió. Các dự án điện gió có tính đặc thù về thời gian thực hiện dài, đa số các thiết bị đều phải nhập từ nước ngoài, dịch bệnh phức tạp ảnh hưởng lớn tới tiến độ thi công, cung cấp các vật tư thiết bị cho các dự án.

Đến ngày 31/10 (thời hạn cuối cùng hưởng giá FIT) đã có 69/106 nhà máy điện gió đăng ký được công nhận vận hành thương mại (COD), hưởng giá FIT. Như vậy, nếu bao gồm cả 15 nhà máy điện gió đã được công nhận COD và vận hành từ trước đây, thì trong hệ thống điện quốc gia mới chỉ có 84 nhà máy điện gió với tổng công suất gần 4.000 MW được công nhận COD. 

Do đó, chúng tôi đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị kéo dài thời gian hỗ trợ giá FIT từ khoảng 6 tháng đến 1 năm. Về phía Chính phủ cũng đã trả lời và chỉ đạo các Bộ ngành xem xét. 

Đứng ở góc độ nhà đầu tư, nếu kéo dài thời gian hưởng ưu đãi giá FIT, liệu có xảy ra vấn đề không công bằng giữa những doanh nghiệp đã về đích và những doanh nghiệp lỡ hẹn hay không?

Ông Nguyễn Văn Vy: Tôi cho rằng vấn đề này không có gì là không công bằng, bởi dự án điện gió đều được tính theo mức giá mà Chính phủ đã quy định. Những doanh nghiệp đã vận hành thương mại thì đã thu được tiền, còn doanh nghiệp chậm thì sẽ thu sau.

Ở dự thảo quy hoạch điện VIII trình Bộ Công Thương đã được trả lại để được sửa đổi bổ sung có một nội dung đáng chú ý là tỷ lệ nhiệt điện than vẫn duy trì ở mức cao và số lượng dự án còn tăng lên. Trong khi đó, tại COP26, Việt Nam đã cam kết lộ trình trung hòa carbon (net zero) vào năm 2050. Quan điểm của Hiệp hội về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Vy: Đảng và Chính phủ có chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, với tỷ trọng trong cơ cấu nguồn từ năm 2050 khoảng 43-45%.

Theo Quy hoạch điện VIII do Bộ Công Thương xây dựng dựa trên cơ sở các chiến lược phát triển năng lượng tái tạo được phê duyệt thì tỷ trọng năng lượng tái tạo đến năm 2030 của Bộ Công Thương đề xuất khá thấp.

Tại COP26 vào đầu tháng 11, Thủ tướng đã cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chắc chắn Bộ Công Thương sẽ phải điều chỉnh dự thảo Quy hoạch điện VIII để phù hợp các cam kết của Việt Nam. 

Có một lý do để duy trì tỷ lệ điện than cao là do chưa lưu trữ được năng lượng tái tạo. Vậy, theo ông, đối với vấn đề lưu trữ năng lượng, liệu có giải pháp nào để khắc phục?

Ông Nguyễn Văn Vy: Kinh nghiệm trên thế giới cũng đã có nhiều giải pháp và Việt Nam cũng đang nghiên cứu để thực hiện các giải pháp đó. Có nhiều dạng năng lượng có thể điều chỉnh linh hoạt, ví dụ như thủy điện, hiện nay các nguồn thủy điện tại Việt Nam chiếm khoảng 30% do đó kết hợp giữa thủy điện và các nguồn khí thì có thể điều chỉnh linh hoạt để vận hành hệ thống. Hoặc cũng có thể thực hiện các giải pháp như phát triển thủy điện tích năng có nghĩa là vào giờ hệ thống thừa điện thì thực hiện chế độ bơm còn khi thiếu điện thì phát điện ra để bù đắp sự thiếu hụt đó; hoặc là phát triển nguồn pin dự trữ năng lượng. Chi phí lưu trữ năng lượng còn tương đối cao nhưng sẽ giảm nhanh trong thời gian tới.

Trong quá trình phát triển sẽ tính toán các nguồn dự trữ, tăng năng lực dự báo thời tiết, dự báo chính xác hơn bức xạ, tốc độ gió của các khu vực và từ các dự báo này để lập các kế hoạch vận hành phù hợp, khắc phục ảnh hưởng thời tiết của các dự án năng lượng tái tạo biến đổi.

Các quốc gia đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo giải quyết câu chuyện lưu trữ năng lượng tái tạo như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Vy: Hiện nay các quốc gia đi đầu về năng lượng tái tạo như Đan Mạch, Đức, Tây Ban Nha thì chiến lược của họ là loại bỏ dần điện hạt nhân, chủ yếu phát triển các nguồn năng lượng gió, mặt trời. Nhiều quốc gia khu vực Châu Á, Thái Bình Dương cũng phát triển rất tốt hệ thống pin dự trữ trong các trường hợp thừa hoặc thiếu năng lượng. 

Hiện nay đã có dự án nào ở Việt Nam áp dụng được hệ thống lưu trữ năng lượng chưa?

Ông Nguyễn Văn Vy: Hiện nay với quy mô nhỏ tại các hộ gia đình họ sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời hoặc các bình ắc quy. Còn trong các dự án lớn thì chưa áp dụng được hệ thống lưu trữ năng lượng vì hiện nay các dự án đang theo giá FIT mà các dự án này họ không yêu cầu phải lắp thêm phần lưu trữ năng lượng.

Điện mặt trời, điện gió sắp tới sẽ áp dụng hình đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, ông đánh giá thế nào về tính khả thi?

Ông Nguyễn Văn Vy: Chúng tôi đã đề nghị đối với các dự án lớn sẽ không áp dụng giá FIT nữa mà sẽ thực hiện theo cơ chế là EVN đàm phán trực tiếp với chủ đầu tư các dự án về giá. Trong trường hợp đấy nếu cần hệ thống lưu trữ năng lượng thì sẽ thêm chi phí đầu tư, từ đó tính toán để cân đối, đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho nhà đầu tư.

Bản thân tôi không ủng hộ việc đấu thầu dự án năng lượng tái tạo bởi thực tế quá trình này rất phức tạp. Ví dụ như WB và ADB hỗ trợ Bộ Công Thương thí điểm đấu thầu dự án điện mặt trời nhưng mấy năm nay vẫn chưa hoàn thành. 

Hiện nay nước ta có nhiều dự án điện khí LNG lớn, liệu đây có thể là loại hình tiềm năng khi tính ổn định khá cao và không chịu nhiều rủi ro như điện gió và điện mặt trời, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Vy: Mặc dù điện khí hóa lỏng LNG không phải không phát thải carbon, nhưng vẫn tốt hơn điện than. Đây là nguồn điện có thể điều chỉnh được, dù vậy cũng có một số bất cập như trên thị trường giao ngay thì giá không ổn định và sẽ phụ thuộc vào thị trường thế giới, từ đó ảnh hưởng đến người tiêu dùng trong nước. Nên cần thận trọng và đánh giá kỹ hiệu quả các dự án. 

Xin cám ơn ông!

(Theo Nhadautu)

 

 

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN