Lãnh đạo doanh nghiệp và những mối lo trong nửa cuối năm


Nền kinh tế Việt Nam phục hồi khá nhanh và khởi sắc trên nhiều lĩnh vực, lạm phát trong tầm kiểm soát. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho biết kết quả kinh doanh nửa đầu năm tăng trưởng tốt. Song, sang nửa cuối năm, đa phần đều nhận định gặp khó khi áp lực lạm phát hiện hữu khiến chi phí đầu vào gia tăng trong khi nhu cầu yếu đi tại các thị trường xuất khẩu chính. 

Trong nửa đầu năm, nền kinh tế Việt Nam phục hồi khá nhanh và khởi sắc trên nhiều lĩnh vực, lạm phát trong tầm kiểm soát. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng đầu năm tăng 6,42%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 17%, xuất siêu 710 triệu USD; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 12%...

Trong bối cảnh đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho biết kết quả kinh doanh nửa đầu năm tăng trưởng tốt. Song, sang nửa cuối năm, đa phần đều nhận định gặp khó khi áp lực lạm phát hiện hữu khiến chi phí đầu vào gia tăng trong khi nhu cầu yếu đi tại các thị trường xuất khẩu chính.

Dù vậy, mỗi doanh nghiệp đều có những giải pháp riêng để ứng phó để hoàn thành kế hoạch kinh doanh cho năm nay.

Doanh nghiệp xuất khẩu tôm: Linh động chuyển đổi thị trường

Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm đạt 5,8 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước; trong đó tôm và cá tra ghi nhận tăng trưởng mạnh.

Xuất khẩu tôm vào Mỹ được dự báo khó khăn do sức mua yếu và cạnh tranh lớn.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) – thành viên Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) tiết lộ bối cảnh thuận lợi nửa đầu năm đã giúp doanh nghiệp ghi nhận doanh thu ước tăng 35% và lợi nhuận tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đạt được nhờ thị trường Mỹ tiêu thụ tốt và tình hình nuôi tôm thuận lợi.

Bước sang nửa cuối năm, lãnh đạo Sao Ta nhận định 2 yếu tố thuận lợi trên sẽ không còn nữa. Lạm phát tăng cao khiến sức mua tại thị trường Mỹ giảm trong khi tồn kho còn lớn và tôm Việt gặp cạnh tranh gay gắt tôm rẻ từ Ấn Độ cùng Ecuador. Yếu tố dịch bệnh tôm chậm lớn cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động nuôi tôm trong nửa cuối năm, khiến giá thành tôm thương phẩm tăng càng gây khó khăn cho doanh nghiệp chế biến.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải đối mặt với yếu tố lạm phát. Sức mua thực của người lao động giảm, giá vật tư đều tăng lên trong khi giá bán tăng không đồng bộ và tỷ giá điều chỉnh không đáng kể. Điều này khiến giá thành tôm xuất khẩu xu hướng tăng hằng ngày.

Dù vậy, Chủ tịch Sao Ta cho rằng Việt Nam còn nhiều thị trường khác để khai thác như châu Âu, Nhật Bản. Doanh nghiệp sẽ cân đối đẩy mạnh thị trường Nhật Bản, để tận dụng yếu tố địa lý, giảm rủi ro về logistics. Đồng thời, Sao Ta cũng cân bằng 2 mảng nuôi trồng và chế biết để giảm thiểu rủi ro mảng chế biến gặp khó do dịch bệnh tôm chậm lớn.

Tương tự, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) cũng cho biết sẽ chuyển hướng thị trường chiến lược, doanh nghiệp không chăm chăm vào thị trường Mỹ đang gặp khó nữa mà đẩy mạnh các thị trường khác có lợi nhuận tốt hơn.

Doanh nghiệp dệt may: Lo sức mua tại các thị trường chính giảm trước áp lực lạm phát

Lĩnh vực dệt may cũng là ngành có bước phục hồi tốt trong nửa đầu năm với kim ngạch xuất khẩu tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, đạt 22 tỷ USD.

Ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) chia sẻ quý I đơn hàng phục hồi khá tốt do nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn như Mỹ, EU tăng trưởng. Tuy nhiên, tình hình bán hàng của quý II không bằng so với quý I và việc nhận đơn hàng cũng diễn biến chậm hơn bình thường do các khách hàng sản xuất vải do dự trong việc chốt giá đơn hàng trong bối cảnh giá nguyên vật liệu biến động liên tục.

Trong nửa cuối năm, CEO công ty sợi cho rằng yếu tố thuận lợi của ngành nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn Mỹ, EU, Canada, Australia, New Zealand có thể không còn được duy trì mạnh mẽ như ở các quý trước. Nguyên nhân do tác động của các yếu tố vĩ mô như là áp lực lạm phát, suy thoái kinh tế và thất nghiệp do hậu quả của cuộc chiến giữa Ukraine và Nga cũng như việc phong tỏa kéo dài ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của rủi ro này sẽ không đồng đều đối với các phân khúc sản phẩm và thị trường khác nhau. Ông Hòa cho rằng mảng thời trang thể thao và năng động sẽ ít bị ảnh hưởng do người tiêu dùng có xu hướng quan tâm nhiều hơn tới việc bảo vệ sức khỏe và sự thoải mái của trang phục. Ngoài ra, các sản phẩm sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường cũng sẽ ít bị ảnh hưởng do người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới việc bảo vệ môi trường và các thương hiệu thời trang hàng đầu đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp sợi, dệt may lo đơn hàng sụt giảm khi sức mua ở các thị trường chính giảm. Ảnh: Sợi Thế Kỷ

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Đầu tư và thương mại TNG (HNX: TNG) nhận định khi đơn hàng giảm thì sẽ tập trung vào những doanh nghiệp lớn, uy tín. Mặt khác, nếu doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, đưa ra mức giá hợp lý thì càng thu hút thêm đơn hàng trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu. Tính đến tháng 6 và 8, tình hình đơn hàng của doanh nghiệp dệt may vẫn rất tốt nhưng giai đoạn tháng 8 đến 12 sẽ có sự phân hóa giữa doanh nghiệp lớn, uy tín, nền tảng tài chính tốt với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, thêm một thị trường khác doanh nghiệp dệt may có thể khai thác là Nga. Ông Thời chia sẻ sau chiến tranh Nga – Ukraine, đối tác hiện tại đặt vấn đề nâng giá trị đơn hàng và công ty cũng có thêm khách hàng mới. Đây sẽ là thị trường tiềm năng cho Dệt may TNG.

Doanh nghiệp điện than, điện khí: Nửa cuối năm nhiều thách thức

Ngành điện trong năm 2021 chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhu cầu tiêu thụ giảm sút. Sang năm nay, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động kinh doanh đã trở lại bình thường khiến nhu cầu tiêu thụ điện tăng trở lại. Nhiều chuyên gia kỳ vọng ngành điện sẽ phục hồi tốt trong năm nay.

Ông Ngô Đức Nhân, Tổng giám đốc Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2) cho biết bối cảnh thị trường điện trong các thàng đầu năm sáng hơn năm trước, giá điện tăng lên vùng 1.800 đồng/kWh. Theo đó, bức tranh kinh doanh nửa đầu năm tích cực nhưng qua nửa cuối năm khá thách thức. Trong tháng 7 và 8 mùa mưa, thủy điện được huy động nhiều nên giá điện giảm và huy động điện khí giảm. Đồng thời, theo phân bổ sản lượng hợp đồng điện (Qc) của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), tháng 9 và 10 công ty hầu như không có Qc. Vị CEO chia sẻ mỗi tháng không có Qc công ty phải gánh lỗ 92 tỷ đồng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay. Không chỉ vậy, điện khí còn bị cạnh tranh ở điện mặt trời và điện gió.

Song, ông Nhân cho rằng điện mặt trời, điện gió và thủy điện chịu ảnh hưởng của yếu tố thiên nhiên nên điện khí vẫn có tầm quan trọng nhất định. Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng doanh thu khá khó khăn, vị CEO xác định doanh nghiệp tìm cách giảm chi phí, đưa ra phương án vận hành quý, tháng, ngày để tranh thủ chạy tại thời điểm giá cao và nghỉ ngơi tại thời điểm giá thấp. Ban lãnh đạo cũng đang đàm phán với A0 để được phân bổ Qc đồng đều hơn.

Điện khí và điện than bước vào quý III với nhiều thách thức do thủy điện lên ngôi. Ảnh: EVN

Tương tự như Nhơn Trạch 2, EVNGENCO 3 (HoSE: PGV) cũng gặp bất lợi khi giá than và khí tăng tăng cao, cạnh tranh lớn của thủy điện, điện mặt trời, điện gió. Trong cơ cấu hệ thống điện của công ty mẹ tổng công ty, điện khí chiếm 45%, nhiệt điện than chiếm đến 43% và thủy điện khoảng 11% tổng sản lượng.

Trong nửa đầu năm tình hình kinh doanh tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, ông Lê Văn Danh – Tổng giám đốc chia sẻ năm nay diễn biến thời tiết tương đối bất thường, mưa lớn kéo dài đến tháng 6 tại miền Bắc. Trong khi đó, miền Nam bắt đầu mùa mưa nên trong tháng 6 và quý III, nước về hồ thủy điện ở mức cao. Do vậy, giá thị trường trong tháng 6 và quý III sẽ ở mức thấp. Qua quý IV, các hồ thủy điện phải tích nước cho mùa khô năm sau, khi đó điện than và khí sẽ phát điện nên giá tăng trở lại, ít nhất là bằng mức quý I. Doanh nghiệp sẽ tranh thủ phát điện giai đoạn quý IV để đem về doanh thu và lợi nhuận cao.

Doanh nghiệp vận tải dầu, hóa chất: Tình hình nửa cuối năm nhiều biến động, có cả thách thức và cơ hội

Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐQT PV Trans tiết lộ trong 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 500 tỷ đồng, thực hiện đến 83% kế hoạch năm. Nhìn về 6 tháng cuối năm, vị chủ tịch nhận định tình hình hết sức biến động, có cả thách thức và cơ hội.

Thị trường vận tải năm nay được kỳ vọng tăng trưởng mạnh do dịch Covid dần được kiểm soát, các gói kích thích kinh tế được tung ra. Song, xung đột Nga - Ukraine diễn ra và Trung Quốc tiếp tục chính sách Zero Covid làm thay đổi toàn bộ cung cầu vận tải từ xăng dầu, khí hóa lỏng, hàng rời….

Vận tải xăng dầu kỳ vọng khả quan cho đến 2023. Nguồn: PV Trans

Ông Việt Anh lý giải, trước đây, Nga xuất khẩu trực tiếp dầu, ngũ cốc, đạm, kim loại sang châu Âu, nhưng xung đột diễn ra thì xuất sang Trung Quốc và Ấn độ với tuyến vận tải dài hơn. Ở chiều ngược lại, châu Âu không mua dầu từ Nga nữa thì mua từ Mỹ, Trung Đông; khí trước đây nhận bằng đường ống cũng chuyển sang nhập LNG từ Trung Đông và Mỹ bằng đường vận tải biển.

Một điểm nữa là lượng cung tàu hàng rời, chở xăng dầu hóa chất hạn chế do giá sắt thép tăng cao, các hãng tập trung đóng tàu container và tàu chở khí.

Tất cả những điều đó làm nhu cầu vận tải ở các mảng hoạt động của PV Trans tăng mạnh ở cả 2 khía cạnh nguồn hàng và hải lý. Điều này kéo theo giá cước vận tải hóa chất, xăng dầu tăng mạnh, gấp đôi so với đầu năm.

Tuy nhiên, thách thức cho ngành là lạm phát tăng cao, nền kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái khiến nhu cầu vận tải biển giảm tốc.

Từ những thuận lợi và thách thức trên, Chủ tịch PV Trans cho rằng đến 2023 khi nền kinh tế rơi vào suy thoái thì ngành vận tải biển hàng rời, chở xăng dầu hóa chất cũng sụt giảm nhưng không nhiều. Mức cước giảm nhưng chỉ giảm 2-3% so với mức cao hiện nay.

Liên quan đến diễn biến giá xăng dầu tăng cao, ông Việt Anh chia sẻ công ty điều chỉnh được giá cước theo giá nhiên liệu nên không ảnh hưởng đáng kể. Với thị trường nước ngoài, hầu hết các hợp đồng PV Trans cho thuê định hạn, giá nhiên liệu đối tác trả.

Doanh nghiệp lọc hóa dầu: Từ giờ đến cuối năm, crack spread vẫn còn tốt

Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) cho biết diễn biến thị trường tương đối thuận lợi trong 6 tháng đầu năm, giá dầu tăng cao so với dự báo, chênh lệch giá giữa sản phẩm và dầu thô (crack spread) được các tổ chức ấn định cao. Theo đó, kết quả kinh doanh nửa đầu năm của BSR tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ năm trước và đạt đỉnh.

BSR kỳ vọng đạt kỷ lục lợi nhuận năm nay. Ảnh: BSR

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất của BSR là dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Công ty phải đặt hàng dầu thô nguyên liệu ít nhất trước 2 tháng cho kế hoạch sản xuất. Do vậy, khi giá dầu tăng, giá dầu thành phẩm sẽ tăng hỗ trợ doanh thu và lợi nhuận. Khi giá giảm, doanh nghiệp gặp rủi ro giảm giá hàng tồn kho và phải dự phòng làm giảm lợi nhuận.

Ông Dương bày tỏ BSR đối mặt với nguy cơ giảm lợi nhuận rất nhanh nếu giá dầu giảm quá nhanh như giai đoạn trước. Dù vậy, năm nay vẫn là năm đặc biệt và vị CEO kỳ vọng doanh nghiệp sẽ đạt đỉnh mới lợi nhuận.

Tổng giám đốc BSR cho biết tình hình nửa cuối năm còn nhiều biến động khó lường. Song, theo nhiều dự báo của chuyên gia và tổ chức quốc tế uy tín, giá dầu sẽ neo ở mức cao trên 105 USD/thùng trong năm nay.

Yếu tố tác động lớn đến giá dầu là căng thẳng địa chính trị xung đột Nga – Ukraine, châu Phi… khiến bất cân xứng cung cầu; năng lực khai thác của các tổ chức như OPEC+ không như kỳ vọng; thị trường phục hồi sau dịch bệnh khiến nhu cầu xăng dầu tăng trở lại.

Điểm khiến lợi nhuận BSR năm nay tăng cao nhờ vào crack spread được các tổ chức quốc tế ấn định cao. Lãnh đạo BSR đánh giá, crack spread năm nay cao bất thường. Nguyên nhân là dưới tác động của dịch bệnh và xu hướng chuyển dịch năng lượng, chiến lược đầu tư của hạ nguồn (down stream) trên thế giới có nhiều thay đổi, nhiều nhà máy lọc dầu lớn trên thế giới tập trung đầu tư các loại năng lượng.

Ngoài các yếu tố trên thì yếu tố thời tiết cũng tác động giá dầu trong ngắn hạn như khu vực châu Mỹ bắt đầu mùa mưa bão lớn có thể khiến nhà máy lọc dầu phải dừng hoạt động.

Theo đó, ông Dương đánh giá hết năm nay thị trường vẫn thiếu hụt nguồn cung lớn nhờ sự phục hồi nền kinh tế Trung Quốc, xung đột Nga – Ukraine kéo dài, nhu cầu di chuyển trong mùa hè. Từ giờ đến cuối năm, crack spread vẫn còn tốt do cần nhiều thời gian để đạt điểm cân bằng mới. Lý do là việc đầu tư nhà máy lọc dầu mới không đơn giản, kể cả kích hoạt lại nhà máy đã dừng hoạt động hay chuyển dịch sản xuất sản phẩm dầu mới…

Doanh nghiệp hàng không: Áp lực chi phí nhiên liệu tăng cao

Ngành hàng không đón nhận tin vui khi Chính phủ mở cửa trở lại, nối lại các đường bay nội địa và một số đường bay quốc tế. Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, lượng hành khách và sản lượng hàng hóa 6 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ 2021. Cụ thể, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 40,7 triệu khách, tăng 57%; sản lượng hàng qua 765.000 tấn, tăng 31%.

Vietnam Airlines cho biết đã khai thác trở lại đường bay quốc tế đến 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trong nửa đầu năm. Hãng kỳ vọng đến cuối năm 2023 có thể phục hồi toàn bộ mạng bay quốc tế, tương đương 2019.

Vietnam Airlines lo tăng lỗ nên giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao. Ảnh: Vietnam Airlines

Tuy nhiên, ngành hàng không lại đối mặt thách thức khác là giá nhiên liệu tăng cao. Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết giá nhiên liệu bình quân năm nay có thể đạt 138-140 USD/thàng, gấp đôi so với năm trước. Nếu giá tiếp tục tăng cao thì doanh nghiệp có thể lỗ thêm. Năm nay, hãng lên kế hoạch lỗ 9.335 tỷ đồng.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết quản trị giá dầu là con dao hai lưỡi và khuôn khổ pháp lý của Việt Nam chưa cho phép thực hiện nên doanh nghiệp sẽ làm mọi cách để giảm chi phí hoạt động.

Ông Tô Việt Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietjet cũng chia sẻ hãng đã triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí, cho phi công đặt các chế độ bay tiết kiệm nhất, chọn cung đường ngắn nhất, bảo trì bảo dưỡng động cơ thường xuyên… để giảm thiểu tác động tăng giá nhiên liệu.

NGỌC ĐIỂM
Theo Người Đồng Hành

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN