Netflix - Gã khổng lồ dịch vụ truyền hình trực tuyến


Từ một công ty cho thuê băng đĩa, Netflix trở thành nhà sản xuất phim và cung cấp dịch vụ video trực tuyến hàng đầu thế giới với hơn 151 triệu người dùng trả phí trên toàn cầu. Dù chỉ mới bắt đầu ra khỏi phạm vi nước Mỹ vào năm 2010 nhưng sau 5 năm ứng dụng xem phim trực tuyến này đã có mặt ở 50 quốc gia và đến năm 2019, Netflix đã phát triển trên 190 quốc gia.

 

 

Công ty Internet lớn thứ 6 thế giới

Khi nói về Netflix không thể không nhắc đến Reed Hastings – một nhân vật nổi bật tại Thung lũng Silicon. Trước khi trở thành đồng sáng lập Netflix cùng Marc Randolph vào năm 1997, Hastings đã kiếm được 750 triệu USD sau khi bán lại Pure Software - công ty chuyên về phần mềm máy tính được ông sáng lập vào năm 1991. Ý tưởng của đế chế xem phim trực tuyến
 
Netflix xuất hiện sau khi chính Hastings bị hãng cho thuê băng đĩa Blockbuster tính phí quá hạn 40 USD. Và sau 3 năm từ chối mua lại 40% cổ phần Netflix, Blockbuster đã bị Netflix vượt mặt với 4,5 triệu người đăng kí. Blockbuster phá sản vào năm 2010. Cổ phiếu năm 2015 của Netflix tăng tăng vọt 9.925% so với mức giá thời phát hành ra công chúng lần đầu (IPO). Theo Forbes, năm 2020, tỷ phú truyền thông Hastings sở hữu khối tài sản 4,8 tỷ USD, tăng 1,1 tỷ USD so với năm 2019.

 


Điều đáng nói là khi vừa mới hoạt động được 2 tháng, Netflix đã được ông chủ Amazon khi đó đề nghị mua lại với giá khoảng 14 - 16 triệu USD. Xét trên thực tế Netflix chỉ là một startup 2 tháng tuổi, đây là một con số khá lớn. Nếu bán công ty, hai người sáng lập sẽ “bỏ túi” nhiều triệu USD. Tuy vậy sau nhiều tính toán, Randolph và Hastings quyết định “lịch sự” từ chối đề nghị của Amazon. Tuy nhiên, cuộc gặp với đội ngũ của Amazon đã thúc giục họ thoát ra khỏi việc chỉ bán đĩa DVD và thay vào đó bắt đầu cho thuê đĩa. Bởi vì họ biết rằng Amazon chắc chắn sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh lớn trong lĩnh vực bán đĩa.


Netflix đã phát triển từ một công ty cho thuê băng đĩa trở thành nhà sản xuất phim và cung cấp dịch vụ video trực tuyến hàng đầu thế giới với hơn 151 triệu người dùng trả phí trên toàn cầu. Hiện tại, Netflix là công ty Internet lớn thứ sáu thế giới theo doanh thu đạt 15,7 tỷ USD vào năm 2018, tăng 35% so với năm 2017. Trong khi đó, Amazon là công ty Internet lớn thứ hai thế giới, sau Alphabet Inc - công ty mẹ của Google.
 

 

Người Việt trẻ ưa chuộng

Tại Việt Nam, Netfix đang dần trở thành ứng dụng giải trí yêu thích của nhiều người Việt trẻ bởi chất lượng hình ảnh đẹp, trải nghiệm tốt đi kèm với mức thuê bao chấp nhận được. Vào Việt Nam đầu năm 2016, Netflix được đánh giá là khó thành công vì những hạn chế tại thời điểm đó như không có phụ đề tiếng Việt, ít chương trình phù hợp với người Việt… Tuy nhiên cùng với thời gian, Netflix đang dần bành trướng và hứa hẹn có thể làm nên chuyện ở phân khúc giải trí online của người Việt.

 


Là dịch vụ xem video trực tuyến của Mỹ, nội dung chủ yếu là phim và các chương trình truyền hình được sản xuất tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… khi đến Việt Nam, Netflix đã hợp tác để đưa nhiều phim Việt chiếu rạp lên nền tảng này như Em Chưa 18, Trạng Quỳnh, Hai Phượng…


Khác với nhiều trang web xem phim trực tuyến, Netflix cung cấp kho video “khủng” với chất lượng cao hơn, có bản quyền đầy đủ và có thể được sử dụng trên các thiết bị thông minh như smartphone, máy tính bảng, smart tivi… Dù chưa có số liệu chính thức về lượng người sử dụng Netflix nhưng không thể thừa nhận, Netflix ngày càng thu hút tầng lớp người tiêu dùng trẻ bởi khác biệt về chất lượng và trải nghiệm với thư viện nội dung lớn nhất toàn cầu.

 


 
Với nội dung phong phú, người dùng có thể tha hồ truy cập vào các thể loại yêu thích như phim kinh điển, phim tài liệu, sitcom, phim hoạt hình… Hơn nữa, trải nghiệm dành cho khách hàng của Netflix được xây dựng dựa trên hệ thống thuật toán và dữ liệu khổng lồ của người dùng. Do đó những gợi ý giải trí thường đúng “khẩu vị” của khách hàng. Người dùng cũng nhanh chóng xác định được các nội dung phù hợp qua tag gắn ngoài, không bị gián đoạn bởi quảng cáo, giật, lag.. như nhiều ứng dụng xem phim khác. Ngoài ra, mức thuê bao theo tháng cao nhất chỉ

 


 
260.000 đồng/tháng để có chất lượng hình ảnh 4K và có thể sử dụng cùng lúc 4 thiết bị đã đưa Netflix trở thành ứng dụng xem phim trực tuyến phổ biến tại Việt Nam. Theo một khảo sát thực hiện hồi đầu tháng 3 bởi công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, Netflix nằm trong top 5 dịch vụ xem truyền hình trực tuyến phổ biến tại Việt Nam, chỉ đứng sau FPT Play. Theo đó, có 23% người được hỏi cho biết họ đang sử dụng dịch vụ của Netflix, cao hơn cả tỷ lệ của VTVCab On (ứng dụng xem truyền hình trực tuyến và video của VTVCab, PV) hay K+.

 

Netflix bổ sung 50 triệu USD vào quỹ cứu trợ Covid-19


Theo Bizlive, phát ngôn viên Netflix vừa tuyên bố công ty đang bổ sung 50 triệu USD vào quỹ cứu trợ Covid-19, đưa tổng số tiền của quỹ lên 150 triệu USD. Đại dịch Covid-19 đã khiến Netflix phải ngừng sản xuất phim và truyền hình khi tỷ lệ lây nhiễm bắt đầu tăng vọt. Điều này khiến khoảng 120.000 diễn viên và thành viên đoàn phim mất việc, dẫn đến tình trạng thất nghiệp hàng loạt trong ngành công nghiệp giải trí. Trước đó, công ty đã công bố một quỹ cứu trợ 100 triệu USD để hỗ trợ cộng đồng sáng tạo trong đại dịch. Những người nhận được cứu trợ sẽ bao gồm các công nhân được trả lương theo giờ và được thuê trên cơ sở dự án. Với nguồn quỹ mới, một phần sẽ được trao cho các bên thứ ba và các tổ chức phi lợi nhuận đang cung cấp hỗ trợ cho các cơ quan và nhân viên tham gia chống dịch tại các quốc gia mà Netflix có cơ sở sản xuất lớn. CEO Netflix Reed Hastings đã quyên tặng riêng 30 triệu USD cho một tổ chức phi lợi nhuận do Quỹ Bill và Melinda Gates khởi xướng để sản xuất một loại vắc-xin chống bệnh Covid-19. Theo đại diện công ty, họ muốn đóng góp một phần để giúp đỡ những người cần sự hỗ trợ trong những thời điểm chưa từng có này. Cho đến nay, quỹ cứu trợ khẩn cấp đã được cung cấp tại Mỹ, Canada, Anh, Ý, Ấn Độ, Pháp, Mexico, Tây Ban Nha, Brazil và Hà Lan.

Theo Phong Cách Doanh Nhân

 

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN