Sử dụng, nâng cấp công nghệ để chăm sóc "thượng đế" mùa dịch từ các doanh nghiệp


Covid-19 khiến các khách hàng thay đổi hành vi, thậm chí khó "chiều" hơn, buộc các doanh nghiệp phải nâng cấp công nghệ để chăm sóc "thượng đế".

Một số doanh nghiệp đã thực sự tìm cách nâng cấp công nghệ để chăm sóc "thượng đế" của mình nhằm tránh "xa mặt cách lòng" khi điều kiện gặp gỡ trực tiếp hạn chế hơn vì dịch. Đó là chưa kể xu hướng hành vi thích mua sắm trực tuyến, lòng trung thành và độ rộng của ví tiền cũng đang ảnh hưởng đến họ.

YouNetSI, một nhà cung cấp các giải pháp giúp doanh nghiệp kinh doanh và vận hành doanh nghiệp trực tuyến từ xa cho biết, lượng khách hàng của họ đang tăng trưởng bình quân 45-47%, và đặc thù trong mùa Covid-19 còn cao hơn.

Trong một bài nhận định và dự đoán được phát đi hôm 24/5, HP Việt Nam đánh giá những thách thức to lớn hiện nay sẽ mở ra hàng loạt cơ hội mới. Lịch sử đã minh chứng rằng các cuộc khủng hoảng luôn mở ra giai đoạn tăng tốc và phát triển vượt trội. Chỉ trong 3 tháng, thế giới đã chứng kiến những chuyển đổi kỹ thuật số lẽ ra phải mất 2 năm để hoàn thành.

"Tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, các lĩnh vực kinh doanh và xã hội đã và đang nhanh chóng tiếp cận và chuyển sang nền tảng số, mang đến tiềm năng hiếm có cho ngành công nghệ thông tin", bài viết nhận định.

Một trong 5 xu hướng công nghệ ở Việt Nam nửa cuối năm 2021 mà công ty này đưa ra là sự gián đoạn và thay đổi liên tục trong các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ thúc đẩy cuộc đổi mới trong lĩnh vực sản xuất.

Cách mạng công nghiệp 4.0, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), công nghệ in 3D và nhiều nhân tố khác, đã và đang mang lại những phát kiến và sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất nhằm nhanh chóng đáp ứng nhu cầu về sản phẩm liên quan đến đại dịch. "Điều này sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển mô hình sản xuất và kênh phân phối, mang lại những giải pháp mới cho người tiêu dùng". HP Việt Nam nhận định.

Theo đại diện YouNetSI, hiện hầu như doanh nghiệp nào cũng nói về 4.0 và số hoá, nhưng thực sự hiểu để chuyển đổi số nhìn chung vẫn chưa nhiều, do đi từ khái niệm đến thực tiễn sẽ rất khác nhau, tùy từng đơn vị.

"Đầu tiên, doanh nghiệp nên khảo sát nhu cầu 'hot' nhất của mình và triển khai từng phần. Và số hoá là một quá trình chứ không phải là 1-2 dự án, nên cần có lộ trình 3-5 năm", đại điện công ty khuyến nghị.

HP Việt Nam cũng gợi ý, trong bối cảnh hiện nay, giá trị của doanh nghiệp không chỉ được đo lường bằng lợi nhuận mà còn bằng những cam kết đóng góp cho xã hội, hướng đến phát triển toàn diện, bình đẳng và bền vững. Lựa chọn danh mục công nghệ, dịch vụ và giải pháp bền vững, hướng đến mục tiêu nền kinh tế không phát thải khí CO2 là một hướng trong đó.

"Xã hội nói chung và ngành công nghệ nói riêng đang đối diện với những cơ hội chưa từng có. Hậu Chiến tranh thế giới thứ II đã chứng kiến quá trình 'Tăng tốc vượt bậc' trong phát triển đô thị và công nghiệp, và chúng ta hiện tại đang ở một thời điểm quyết định tương tự", ông Nguyễn Minh Đức, Tổng giám đốc HP Việt Nam nói và cho rằng các doanh nghiệp công nghệ thông tin, cần tận dụng cơ hội này để mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng, xã hội.

 

 

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN