Tạm biệt nước nóng và những ngọn đèn đường, châu Âu "chắt chiu" năng lượng chờ mùa đông lạnh giá


Châu Âu gặp khó trong việc tìm nguồn cung thay thế năng lượng từ Nga, buộc nhiều quốc gia phải cắt giảm tiêu thụ điện và khí đốt để vượt qua mùa đông khắc nghiệt sắp tới. Một số quốc gia như Đức, Pháp, Tây Ban Nha... ra quy định giảm nhiệt độ máy sưởi và hạn chế chiếu sáng tại các khu vực công cộng.    

Không ít người dân châu Âu sẽ phải tắm nước lạnh, nhiều văn phòng phải giảm nhiệt độ máy sưởi và các cửa hàng phải cắt giảm cường độ chiếu sáng nhằm tránh tình trạng thiếu điện và khí đốt sưởi ấm trong mùa đông năm nay.

Với việc Nga quyết liệt cắt giảm nguồn cung khí đốt tới lục địa già và nhiều nhà máy điện thiếu nhiên liệu đầu vào, châu Âu không có nhiều lựa chọn thay thế ngoài việc cắt giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng. 

Không chỉ Đức, nơi một nửa hộ gia đình sử dụng khí đốt để sưởi ấm đồng thời là quốc gia được dự báo chịu tác động nặng nề nhất, Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực đoàn kết nhằm hiện thực hóa mục tiêu đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng cho mùa đông sắp tới. Các thành viên trong khối đặt mục tiêu cắt giảm tiêu thụ năng lượng 15% trong mùa đông năm nay nếu Nga siết chặt nguồn cung. 

german.jpg

Đức sẽ dừng chiếu sáng tại các công trình tưởng niệm. Ảnh: Bloomberg.

Đức

Chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thông qua một bản kế hoạch sơ bộ tham vọng cắt giảm tiêu thụ khí đốt lên tới 20% trong mùa thu và mùa đông năm nay: 

- Cấm các bể bơi nước nóng tư nhân hoạt động.

- Dừng hoạt động sưởi ấm tại một số tòa nhà công cộng.

- Giảm nhiệt độ phòng tối thiểu xuống 19 độ C.

- Cấm phần lớn hoạt động chiếu sáng bên ngoài tại các tòa nhà đài tưởng niệm.

- Đẩy mạnh các giải pháp sử dụng điện hiệu quả tại các tòa nhà công cộng và tư nhân.

Pháp

Tổng thống Emmanuel Macron đặt mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng 10% trong năm 2024 so với năm 2019.

Chính phủ của ông đã lập ra nhiều tổ công tác đặc biệt có nhiệm vụ khảo sát và nghiên cứu trong một loạt các lĩnh vực trong nền kinh tế như bất động sản, công nghệ, truyền thông và nhiều địa điểm như trung tâm thương mại, không gian công cộng và cơ quan chính phủ nhằm có thể đưa ra phương án cuối cùng vào cuối tháng 9. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, một số biện pháp cứng rắn đã được áp dụng. Bên cạnh đó, một số giải pháp được dự báo sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới. 

Ví dụ, tới tháng 10, các chuỗi siêu thị tại Pháp phải tắt toàn bộ các tấm biển quảng cáo điện tử sau khi đóng cửa. Các không gian bán lẻ phải cắt giảm 30% hệ thống chiếu sáng đồng thời giảm nhiệt độ xuống 17% trong khoảng thời gian cao điểm mua sắm trong ngày.

Bộ Tài chính Pháp thông báo họ sẽ chỉ bật hệ thống sưởi khi nhiệt độ văn phòng xuống dưới 19% và kích hoạt chế độ làm mát khi nhiệt độ vượt 26 độ C. 

france.jpg

Một cửa hàng tại thành phố Paris, Pháp. Ảnh: Bloomberg. 

Italia 

Một kế hoạch cắt giảm tiêu thụ năng lượng có thể được chính phủ Italia thông qua ngay trong đầu tuần sau. Giá năng lượng đã trở thành một chủ đề nóng trước kỳ bầu cử thủ tướng vào ngày 25/9 tới. 

Theo giới truyền thông Italia, kế hoạch tiết kiệm năng lượng của quốc gia này có thể bao gồm các điểm sau: 

- Giảm nhiệt độ và rút ngắn thời gian sưởi ấm tại các hộ gia đình và văn phòng trong mùa đông, hướng tới mục tiêu giảm hơn 10% lượng khí đốt sử dụng cho việc sưởi ấm. 

- Giảm thời gian chiếu sáng công cộng và tại các cửa hàng vào buổi tối. 

- Kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy điện than nhằm kéo giảm lượng khí đốt phục vụ cho công tác sản xuất điện.

- Cắt giảm thời gian hoạt động của nhiều nhà máy. Một số ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng hiện đã thực hiện phương án này vì chi phí đầu vào tăng cao. 

italia.jpg

Cục nóng điều hòa bên ngoài một tòa chung cư tại thành phố Seville, Italia. Ảnh: Bloomberg. 

Tây Ban Nha

Các nhà lập pháp Tây Ban Nha đã thông qua một số quy định trong ngày 25/8: 

- Giới hạn nhiệt độ điều hòa trong các tòa nhà, doanh nghiệp, sân bay, tàu hỏa ở ngưỡng 27 độ C.

- Thiết lập nhiệt độ hệ thống sưởi không quá 19 độ C trong mùa đông ngoại trừ tại các khách sạn, bếp nhà hàng, tiệm làm tóc, phòng gym, trường học và bệnh viện.

- Dừng sử dụng hệ thống chiếu sáng tại các khu vực tưởng niệm và cửa sổ cửa hàng vào buổi tối.

- Yêu cầu các cửa hàng đóng cửa kín khi hệ thống sưởi hoặc làm mát đang hoạt động.

1x-1_166158332864.jpg

Một tòa nhà văn phòng tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: Bloomberg. 

Thụy Sĩ

Để đạt được mục tiêu của EU, Thụy Sĩ khuyến nghị người dân và doanh nghiệp giảm 15% nhu cầu sử dụng khí đốt trong giai đoạn từ tháng 10/2022 tới tháng 3/2023 thông qua một nhóm các giải pháp bao gồm hạ thấp nhiệt độ hệ thống sưởi trong nhà. Chính phủ cũng đặt ra những mục tiêu tương tự để “làm gương” cho người dân. 

Nếu như tinh thần tự nguyện không phát huy hiệu quả, chính phủ sẽ tham vấn các chuyên gia để ban hành những quy định bắt buộc.  

Ireland 

Quốc gia không nằm trong kế hoạch cắt giảm tiêu thụ năng lượng của EU khi phần lớn nguồn khí đốt nhập khẩu vào quốc gia này được khai thác tại Anh cũng khuyến khích người dân giảm tiêu thụ điện trong mùa đông tới. 

Thái Bình / Bloomberg
Theo Người Đồng Hành

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN