Tọa đàm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu và vai trò của truyền thông


Ngày 01/7/2020, Bộ Công Thương và UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) và vai trò của truyền thông. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đồng chủ trì buổi Tọa đàm.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm


Tham dự có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Văn Minh; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Trung tâm Báo chí TP Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Lê Huỳnh Minh Tú; Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Trần Trọng Dũng và đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo TP, đại diện lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Trong phát biểu đề dẫn cho buổi Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) là một thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. Cùng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đây là hai Hiệp định FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Sau 3 năm đàm phán với 14 phiên họp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Ủy ban Thương mại quốc tế từ 26/6/2012 đến ngày 4/8/2015 thì Việt Nam và Liên Âu chính thức kết thúc toàn bộ các nội dung cơ bản của Hiệp định. Ngày 02/12/2015 tại Bruxelles, hai bên đã ký Tuyên bố kết thúc đàm phán và đến 30/6/2019, Hiệp định chính thức được ký kết.

Tiếp đó, ngày 8/6/2020, Quốc hội Việt Nam chính thức phê chuẩn Hiệp định này và có hiệu lực vào ngày 01/8/2020.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu đề dẫn cho buổi Tọa đàm


Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, EVFTA là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên; củng cố mối quan hệ song phương theo định hướng chiến lược, toàn diện và bền vững.

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới với quy mô nhập khẩu năm 2019 khoảng 2.197 tỷ USD, trong khi đó thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực này còn khiêm tốn chiếm khoảng 2% với chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU chuẩn bị đi vào thực thi trong bối cảnh xu hướng kinh tế - thương mại và thị trường có nhiều biến động khó lường được kỳ vọng sẽ mở đường cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và khai thác hiệu quả thị trường đầy tiềm năng với gần 500 triệu dân và GDP 18 nghìn tỷ USD. Việc chủ động tiếp cận, nắm vững về thị trường cũng như sẵn sàng đối mặt với những thách thức sẽ giúp các doanh nghiệp đón đầu thời cơ, tận dụng tối đa các lợi ích từ Hiệp định thương mại này mang lại.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng: Buổi Tọa đàm hôm nay là cơ hội để Bộ Công Thương chủ động chia sẻ những nội dung và nền tảng quan trọng liên quan đến chiến lược mang tính hội nhập, các giải pháp quan trọng cần thực hiện đồng bộ, toàn diện để qua các cơ quan truyền thông chuyển tải đến người dân, doanh nghiệp, xã hội. Đồng thời bày tỏ mong muốn, sẽ được nghe những ý kiến đóng góp của các Sở - ngành, đơn vị của TP cũng như các cơ quan truyền thông trên địa bàn để hoàn thiện hơn các chính sách, chiến lược.

 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM  Dương Anh Đức phát biểu tại buổi Tọa đàm


Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức khẳng định: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu là cơ hội lớn của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh hiện có hơn 300.000 doanh nghiệp và là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước.

Tuy nhiên, đứng trước cơ hội lớn chúng ta cần hiểu rõ và phân tích cụ thể về những lợi ích, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND TP mong rằng, buổi Tọa đàm sẽ có những trao đổi thẳng thắn, thiết thực; đồng thời, các cơ quan báo chí, truyền thông sẽ tham gia tích cực trong việc tuyên truyền sâu rộng về Hiệp định để cộng động xã hội hiểu rõ, hiểu đúng và triển khai thực hiện hiệu quả.

Với mục đích đó, đại biểu tham dự Tọa đàm được nghe Vụ Chính sách thương mại đa biên trình bày “Tổng quan về EVFTA và quá trình đàm phán và một số nội dung cần đẩy mạnh truyền thông cho EVFTA trong thời gian tới”; Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ trình bày về “Tình hình thị trường EU, cơ hội, thách thức sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực”. Tọa đàm cũng dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận về các nội dung liên quan.

Theo TTBC - HCM

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN